12/05/2022 08:45
Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) gây bất lợi trong sản xuất và đời sống của người dân, thông qua dự án “Phòng ngừa và ứng phó với BĐKH” do tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam triển khai trên địa bàn huyện Tiểu Cần, giai đoạn 2018 - 2022 đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng nhằm phát triển các mô hình sinh kế thông minh phù hợp với địa phương.
Chị Thạch Thị Na Ra nhờ nguồn vốn trong mô hình sinh kế thông minh gắn với BĐKH đã giúp gia đình ổn định cuộc sống qua nuôi gà đẻ và heo.
Chị Thạch Thị Na Ra, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hội A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết: gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2020 được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai đầu tư mô hình sinh kế thông minh gắn với BĐKH trong chăn nuôi gà theo hướng sử dụng đệm lót sinh học. Với số tiền vay 05 triệu đồng trong dự án để nuôi 50 gà đẻ và làm chuồng; từ mô hình chăn nuôi gà đẻ đã giúp gia đình cải thiện được một phần trong sinh hoạt, với thu nhập từ nguồn trứng gà (khoảng 60.000 đồng/ngày). Cuối năm 2021, mô hình kết thúc, gia đình tiếp tục được tái đầu tư lại và kết hợp nuôi heo; trong điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn, mô hình hỗ trợ sinh kế qua chăn nuôi đã giúp gia đình có kế hoạch sản xuất thích ứng với điều kiện BĐKH.
Với mục tiêu của mô hình sinh kế thông minh gắn với BĐKH trong dự án nhằm giúp cho các thành viên từng bước ứng dụng và thực hiện các kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế của địa phương, gia đình và hạn chế thấp các rủi ro do BĐKH tác động trong chăn nuôi, ô nhiễm môi trường… Mô hình được triển khai trên địa bàn 08 xã vùng dự án, có 261 hộ tham gia, được hỗ trợ với số vốn 1,305 tỷ đồng thực hiện các mô hình chăn nuôi heo kết hợp biogas, chăn nuôi bò, gia cầm; cùng với hỗ trợ nguồn vốn, các thành viên còn được tập huấn nâng cao kỹ năng thích ứng với BĐKH trong sản xuất.
Theo chị Nguyễn Thị Kim Phương, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần phụ trách mô hình sinh kế thông minh gắn với BĐKH, qua hơn 02 năm triển khai, nhìn chung mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên phát triển kinh tế ổn định, tận dụng được các tiềm năng sẵn có của gia đình, tại địa phương trong phát triển mô hình sinh kế, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với mô hình sinh kế trong chăn nuôi gà, cá/04 tháng đầu tư, bình quân mỗi hộ thu nhập 2,6 - 2,8 triệu đồng/đợt; riêng mô hình nuôi bò, sau 18 tháng đầu tư, thu nhập 11,6 triệu đồng/mô hình…
Điển hình như gia đình chị Thạch Thị Tiên, ấp Ông Rùm, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần với dự án đầu tư mô hình sinh kế để nuôi 200 con vịt thịt + 20kg cá giống. Theo chị Tiên, sau gần 05 tháng đầu tư, gia đình đã thu lời trên 15 triệu đồng và hiện gia đình tiếp tục tái đầu tư lại mô hình trên. Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tiếp cận các phương thức sản xuất một cách phù hợp với điều kiện kinh tế nhỏ của gia đình trong điều kiện sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động của dịch bệnh, khô hạn, mặn xâm nhập…
Cũng theo chị Nguyễn Thị Kim Phương, để đưa mô hình sinh kế thông minh thích ứng BĐKH được chuyển tiếp và nhân rộng nguồn vốn cho hội viên tham gia, Hội đã gắn kết với mô hình “tiết kiệm tín dụng làng xã” để các hội viên có thêm nguồn vốn trong đầu tư được nhiều hơn phục vụ vào sản xuất của gia đình. Trong năm 2021, các cấp Hội cơ sở ở Tiểu Cần đã thành lập mới 15 nhóm tiết kiệm, với 255 thành viên/45,7 triệu đồng và giúp cho 31 lượt thành viên vay. Nâng tổng số đến đầu năm 2022, toàn huyện có 90 nhóm tiết kiệm/1.696 thành viên/2,25 tỷ đồng; qua đó đã giúp cho 1.395 lượt thành viên được nhận vốn trong phát triển các mô hình sinh kế.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.