11/04/2025 09:02
Bài 2: Phát huy vai trò “đầu tàu” xã nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện nông thôn mới nâng cao
Thành viên Ban Nhân dân và ĐVTN tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường trên tuyến Đường tỉnh 911, thuộc địa bàn xã NTM kiểu mẫu Thạnh Phú, huyện Cầu Kè.
Với phương châm “XDNTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, các xã NTM kiểu mẫu trong 02 huyện NTM nâng cao là Cầu Kè và Tiểu Cần đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường và sản xuất thông minh.
Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Kè cho biết: với những kết quả đạt được của huyện NTM nâng cao, bên cạnh các tiêu chí NTM luôn được các địa phương, các ngành và Nhân dân tập trung không ngừng nâng cao, giữ vững những thành tích đã đạt được.
Cùng với đó là việc xây dựng, công nhận các xã NTM kiểu mẫu ở từng lĩnh vực; đây là những “đầu tàu” trong ứng dụng, mở rộng và phát triển những tiêu chí mới gắn với phát triển của xã hội tại địa phương, nhằm đem lại sự đổi thay toàn diện trên nhiều lĩnh vực phục vụ vào đời sống, sản xuất và vận hành các thiết chế xã hội. Hiện trên địa bàn huyện NTM nâng cao Cầu Kè đã công nhận được 03/10 xã đạt NTM kiểu mẫu là Thạnh Phú, An Phú Tân và Châu Điền.
Năm 2023, xã Thạnh Phú huyện Cầu Kè được công nhận hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao; cùng với đó, trong năm 2023, Thạnh Phú đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 163/QĐ-UBND, ngày 06/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh).
Trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu về sản xuất, xã đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Thông qua việc triển khai thực hiện 03 lĩnh vực “Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số”, “kinh tế nông thôn” và “xã hội số trong XDNTM”. Xã tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số, với 02 hợp tác xã nông nghiệp sử dụng nền tảng số trong quản lý và điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình ở Ấp 2 việc sản xuất nông nghiệp của nông dân (trồng cam sành) được các hộ sử dụng máy bay phun thuốc và tưới phân... góp phần giảm công lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ứng dụng trên 80% các thiết bị thông minh trong cập nhật và theo dõi thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch thương mại (trả tiền điện, nước...)…
Đồng chí Ngô Thị Bạch Duyên, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: mô hình xã NTM kiểu mẫu đã tác động rất lớn đến đời sống của Nhân dân cũng như vai trò của các cán bộ của địa phương, thông qua việc ứng dụng công nghệ số trên một số lĩnh vực phục vụ công ích và theo dõi, quản lý sản xuất của nông dân như dịch bệnh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi…
Đồng chí Khưu Chí Cường, Bí thư Đảng ủy xã Châu Điền, huyện Cầu Kè phấn khởi: địa phương cũng vừa được công nhận xã NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường (năm 2024); bên cạnh thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt theo hợp đồng với các đơn vị thu gom rác, xã còn vận động Nhân dân và xây dựng được việc xử lý chất thải sinh hoạt theo hướng dẫn của các đoàn thể xã và ban Nhân dân các ấp bằng cách phân loại rác tại nguồn, phân loại, đào hố chôn lấp, ủ phân hữu cơ trong khuôn viên đất tại hộ gia đình, không đốt rác ngoài trời gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra tình trạng vứt, thải bừa bãi ra môi trường sông, hồ, kênh, rạch….
Qua đó, hiện xã Châu Điền có 3.267 hộ được xử lý rác thải bằng biện pháp phù hợp khoảng 4,3 tấn/ngày. Xây dựng 08 mô hình Chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với mô hình “phân loại rác thải hộ gia đình” có 170 hộ là thành viên tham gia. Toàn xã có 2.076 hộ chăn nuôi; qua đó, có 54 hộ chăn nuôi lắp đặt hầm biogas, 2.018 hộ dùng biện pháp ủ để làm phân bón.
Ghi nhận tại huyện NTM nâng cao Tiểu Cần. Hiện huyện có 02/09 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Phú Cần và Tân Hùng; 07 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Điển hình như trên địa bàn xã NTM kiểu mẫu Phú Cần, năm 2023, Phú Cần được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục, hoàn thành 04/04 tiêu chí đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Để hướng tới mô hình NTM thông minh, Phú Cần đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Điển hình như ở ấp Cầu Tre và Đại Trường, nông dân triển khai trồng dưa lưới trong nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, giúp tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón và tăng năng suất cây trồng; mô hình sản xuất lúa ở kênh bê tông nổi Cầu Tre, với 110ha, sản xuất 03 vụ/năm ứng dụng mô hình tưới khô xen kẽ.
Đồng chí Huỳnh Văn Phép, công chức Địa chính - Xây dựng xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện tại khu vực sản xuất lúa kênh bê - tông nổi, nông dân được triển khai sử dụng thiết bị từ trụ đo độ ẩm được đặt ngoài ruộng và giám sát qua smartphone; hiện đã có 100% nông dân trong vùng kênh bê tông nổi Cầu Tre thực hiện việc sản xuất lúa theo mô hình ngập - khô xen kẽ với diện tích 110ha. Đồng thời, đã nhân rộng ra gần 70% diện tích sản xuất lúa của xã (1.500ha) được nông dân ứng dụng mô hình tưới ngập - khô xen kẽ. Hiệu quả giúp nông dân tiết kiệm chi phí bơm tát, giúp lúa nở bụi tăng lên 10-15% và hạn chế lúa đổ ngã. Phát triển kinh tế và sản xuất thông minh được xã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Theo đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiểu Cần: những xã NTM kiểu mẫu không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các giải pháp sản xuất thông minh và bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Trà Vinh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Đồng chí Huỳnh Văn Màu, Bí thư Đảng ủy xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải cho biết: Xã Long Hữu được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014 (Quyết định số 2231/QĐ-UBND, ngày 27/12/2014 của UBND tỉnh); được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (Quyết định số 822/QĐ-UBND, ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh). Từ đó đến nay, xã Long Hữu tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, cùng sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và Nhân dân: hiến đất, cây trái, hoa màu, ngày công lao động... để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.