16/01/2023 13:05
1. Ăn nhiều thức ăn nhanh gây bệnh tim và đái tháo đường
Thức ăn nhanh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đi đôi với sự tiện lợi, lạm dụng thức ăn nhanh thực sự không tốt cho sức khỏe. Các thức ăn nhanh bao gồm cả đồ uống và đồ ăn vặt như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, trà sữa, nước có gas… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ.
Các nghiên cứu đã cho thấy, thức ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường và bệnh tim. Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu.
Khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể bạn sẽ tiết ra insulin để cân bằng. Theo thời gian, lượng đường tăng đột biến này có thể làm hao mòn tuyến tụy (cơ quan tạo ra insulin). Điều này khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao, gây ra bệnh đái tháo đường.
Ăn thức ăn nhanh có thể làm tăng lượng calo, tổng chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và natri, cộng với đường từ nước ngọt, có thể làm thay đổi các yếu tố trao đổi chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do tăng chỉ số khối cơ thể và vòng eo, chất béo trung tính cao và mức độ lipoprotein mật độ thấp - một dạng cholesterol tốt.
Lượng muối quá nhiều trong thức ăn nhanh cũng rất nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh về huyết áp và làm hư hại mạch máu. Nó cũng làm tăng nguy cơ suy tim, đau tim và đột quỵ.
2. Có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan
Đây là kết quả dựa trên phân tích dữ liệu sức khỏe của 4.000 người trưởng thành có số đo gan nhiễm mỡ được đưa vào khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh béo phì hoặc đái tháo đường hấp thụ 1/5 hoặc hơn lượng calo hàng ngày của họ từ thức ăn nhanh có lượng chất béo trong gan tăng cao nghiêm trọng so với những người ăn ít hoặc không ăn thức ăn nhanh.
Bác sĩ Ani Kardashian, chuyên khoa Gan của Trường Y khoa Keck tại Đại học Nam California - tác giả chính của nghiên cứu cho biết: " Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy thức ăn nhanh có thể gây hại cho gan, đặc biệt là ở những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc béo phì. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người có thể không biết rằng ăn thức ăn nhanh và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây ra các vấn đề về gan. Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan (sự phát triển của mô sẹo trong gan), suy gan và ung thư gan".
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng chất béo dư thừa tích tụ trong gan, nó không liên quan đến việc sử dụng rượu. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh béo phì hoặc đái tháo đường loại 2.
Những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc béo phì phải đối mặt với tổn thương gan có khả năng đe dọa tính mạng cao nhất do chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm ít nhất 20% thức ăn nhanh.
3. Lý do những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc béo phì dễ bị bệnh gan
Bác sĩ Kardashian giải thích rằng, việc tiêu thụ một lượng lớn chất béo bão hòa và chất làm ngọt đã qua chế biến từ thức ăn nhanh khiến cơ thể tích tụ chất béo trong gan. Sự tích tụ này càng trầm trọng hơn ở những người bị kháng insulin, một dấu hiệu đặc trưng của tiền đái tháo đường và đái tháo đường loại 2. Đây có thể là lý do tại sao những người mắc bệnh đái tháo đường và béo phì đặc biệt dễ bị tác động tiêu cực của gan nhiễm mỡ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những phát hiện này đặc biệt đáng báo động khi mức tiêu thụ thức ăn nhanh đã tăng lên trong 50 năm qua. Họ hy vọng nghiên cứu này khuyến khích mọi người tìm kiếm các lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh hơn và cung cấp thông tin mà các bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng để tư vấn cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tiềm ẩn, về tầm quan trọng của việc tránh các loại thực phẩm giàu chất béo.
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn nhanh thường chứa nhiều calo, nhiều chất béo, nhiều đạm, thiếu vitamin và khoáng chất nên thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, không cân đối về khẩu phần. Vì vậy, nếu sử dụng thức ăn nhanh kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nếu sử dụng thức ăn nhanh, tùy theo chủng loại (thức ăn nhanh giàu đạm, giàu tinh bột, nhiều chất béo, nhiều muối), chúng ta nên lựa chọn các thực phẩm bổ sung thêm vào trong bữa ăn như: bổ sung thêm rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ đồng thời nó giúp thải bỏ lượng mỡ dư thừa và bớt muối. |
Theo Sức khỏe và Đời sống
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.