27/12/2022 14:06
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 26/12 ở Hà Nội.
Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, kết quả điều tra mới đây cho thấy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh, tại nhà giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% trong năm 2022; tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tại trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, có được kết quả trên là nhờ công tác truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được tăng cường trong trường học.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
"Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và internet"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu thực trạng.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nguy hại hơn thuốc lá truyền thống, có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa).
WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Tại hội thảo các chuyên gia cũng nhấn mạnh thuốc lá điện tử giá thành rẻ, nhiều hình dạng, hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo về một kiểu hút thuốc không gây hại, sành điệu đã đánh trúng tâm lý của tuổi mới lớn.
Nhiều em học sinh không biết hoặc có biết nhưng cố tình bỏ qua những khuyến cáo về những thành phần hóa chất độc hại, thậm chí là cả ma túy có trong thuốc lá điện tử.
Nếu không quyết liệt ngăn chặn thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai. Và các kết quả phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ bị phá bỏ.
Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể: Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên; Cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi; Tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức; Tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử; Theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra giám sát số liệu. Những khuyến cáo này được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào Kế hoạch hành động về kiểm soát thuốc lá khu vực Tây Thái Bình Dương đến năm 2030. |
Theo Sức khỏe và Đời sống
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.