20/11/2024 13:56
Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) là cơ sở y tế đầu tiên tại miền Tây Nam Bộ thí điểm thành công mô hình xử lý nước mặn thành nước sạch cho hoạt động y tế.
Ngày 19/11, tại buổi làm việc với Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, BS.CKII Ngô Văn Tuôi - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) - cho biết, bệnh viện là một trong những bệnh viện thực hiện các hoạt động tăng trưởng xanh, xây dựng cơ sở y tế xanh, bền vững nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân.
Theo BS.CKII Ngô Văn Tuôi, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh tiếp nhận khoảng 1.200 - 1.400 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú; 400 bệnh nhân điều trị nội trú.
"Để tạo môi trường làm việc và sinh hoạt an toàn, thoải mái cho bệnh nhân và nhân viên y tế, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp như trồng cây xanh, tạo các bãi cỏ và lắp đặt cây xanh ở hành lang, các phòng làm việc. Cũng từ đó, chất lượng điều trị cũng ngày tăng cao, sức khoẻ tinh thần cho bệnh nhân và nhân viên y tế cũng ngày được cải thiện", Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh cho hay.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng vệ sinh bệnh viện, đặc biệt là các nhà vệ sinh, bệnh viện đã tiến hành lắp đặt các biển hướng dẫn tại nhà vệ sinh; dán các mã QR để bệnh nhân đánh giá… Các khu vệ sinh cũng thường xuyên được bảo trì sạch sẽ, có nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật, nhà vệ sinh cho phụ nữ tới kì kinh nguyệt ở khoa sản…
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh cho biết, Bến Tre là một trong những tỉnh miền Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn, việc sử dụng nước nhiễm mặn để vệ sinh dụng cụ y tế, chăm sóc bệnh nhân…sẽ không đảm bảo an toàn và chất lượng. Dù bệnh viện đã sử dụng nước máy được xử lý từ nhà máy nước, nhưng quá trình xử lý nước của nhà máy nước vẫn không thể loại bỏ được muối.
Nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh viện đã được lắp đặt hệ thống lọc nước mặn thành nước sạch, giải quyết vấn đề nước nhiễm mặn. Nguồn nước này được sử dụng cho quá trình chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân tại các khoa có yêu cầu cao về nguồn nước như khoa dinh dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh, khoa sản, phòng phẫu thuật, vệ sinh dụng cụ y tế…
Từ tháng 11/2023 đến nay, hệ thống lọc nước hoạt động tự động. Trung bình mỗi ngày hệ thống hoạt động từ 1-2 giờ đã có thể cung ứng đủ nước sạch cho bệnh viện.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh chia sẻ: "Trước khi có hệ thống lọc nước, bệnh viện phải sử dụng nước bình để tắm cho trẻ sơ sinh trong những đợt nước mặn xâm nhập mạnh. Việc sử dụng nước bình tốn kém chi phí rất lớn. Tới khi hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt đi vào hoạt động, bệnh viện không chỉ tiết kiệm được chi phí vận hành mà còn bảo vệ sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh".
Bác sĩ Phan Thị Lý - Trưởng Phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường - Bộ Y tế nhận định, dù điều kiện bệnh viện chưa đầy đủ, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nhưng bệnh viện đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, cải thiện để đưa bệnh viện ngày càng phát triển hơn, nâng cao chất lượng điều trị. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của bệnh viện.
"Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh là bệnh viện đầu tiên tại khu vực miền Tây Nam Bộ thí điểm hệ thống xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch cho các hoạt động y tế. Mô hình này đã trở thành điểm sáng của bệnh viện. Mô hình không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước mà còn tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, vậy nên, mô hình này nên được nhân rộng tại các bệnh viện tại khu vực nhiễm mặn", Trưởng Phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường - Bộ Y tế nói.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Thiếu Iod có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm bướu cổ và suy giáp.