17/10/2023 08:17
Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, khi nói đến vi chất dinh dưỡng, tức là bao gồm các Vitamin (A, B, C, D, E …) và các vi khoáng (sắt, kẽm, đồng, selen, mangan …). Vitamin có nhiều trong rau quả và phủ tạng động vật. Các vi khoáng có nhiều trong thức ăn nguồn động vật.
Thiếu vi chất dinh dưỡng thường dễ mắc bệnh: Thiếu Vitamin A gây bệnh khô mắt, thiếu Vitamin B1 gây bệnh tê phù. Thiếu Vitamin D, canxi gây bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người già. Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu, thiếu Iod gây bệnh bướu cổ và đần độn. Ngoài ra có thể thiếu những vi chất khác nhưng do biểu hiện của bệnh ít rầm rộ nên khó phát hiện.
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng lại rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của cơ thể, bao gồm khoảng 40 loại vitamin và khoáng chất. Các vi chất dinh dưỡng được quan tâm nhiều nhất hiện nay là Sắt, vitamin A và Iốt, ngoài ra còn có Acid folic, Kẽm…cũng có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển bình thường của thai nhỉ, tăng trưởng chiều cao của trẻ em.
Thiếu vi chất là các rối loạn gây nên do cơ thể bị thiếu một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng. Ví dụ khô mắt và mù lòa do thiếu vitamin A, chứng đần độn hoặc bệnh bướu cổ do thiếu Iốt, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.
Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng là làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực và trí lực, do đó làm giảm khả năng lao động và học tập. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân tiềm tàng của tình trạng ốm đau, bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Ai cũng có thể bị thiếu vi chất dinh dưỡng, nếu như không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng đa dạng các thực phẩm và nhất là thiếu các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng, sau sởi, viêm phổi, tiêu chảy; thiếu nữ, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú… làm nhóm dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng nhất do nhóm đối tượng này có nhu cầu cao hơn về vi chất dinh dưỡng; bên cạnh đó bữa ăn của họ có thể không thường xuyên được cung cấp đầy đủ các thực phẩm có hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao, nên cũng dễ dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng.
Cần phải dự phòng thiếu vi chất dinh dưỡng sớm cho các đối tượng có nguy cơ cao. Các giải pháp hiện nay được áp dụng, bao gồm: Đa dạng hóa bữa ăn: ăn đa dạng các loại thực phẩm, chú ý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Uống các loại vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao dùng cho trẻ em, viên sắt/ acid folic dùng cho phụ nữ mang thai…). Hiện nay, giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả, an toàn và đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn người mẹ cần uống thêm viên sắt để cung cấp sắt qua rau thai và sau đẻ qua nguồn sữa mẹ. Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý.
Trẻ lớn hơn: chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt.
Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt nguồn động vật như: gan gà, lợn, bò, trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… các thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thụ cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra, các loại thực phẩm nguồn thực vật như các họ đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đen, lạc vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt thì cần ăn các thức ăn có chứa nhiều Vitamin C như các loại rau và quả chín: chuối, đu đủ, cam, bưởi…
Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân, và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiếu máu ở trẻ em.
Phòng, chống thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ bằng cách trước hết cần cải thiện bữa ăn: tăng các thức ăn giàu sắt như thịt, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục, tiết), trứng, cá, thủy sản, đậu đỗ... và các thức ăn giàu Vitamin C như rau xanh, quả chín vì Vitamin C tăng cường hấp thu sắt, phối hợp nhiều loại thức ăn khác nhau, cải tiến cách chế biến như làm giá, muối dưa... để tăng hấp thu sắt.
Bổ sung viên sắt: phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được bổ sung sắt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Ở những nơi có chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng loại viên sắt có chứa 60 mg Sunfat sắt kết hợp với Acid Folic đang được sử dụng đại trà. Phác đồ bổ sung như sau: phụ nữ không có thai mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định, uống liên tục trong 4 tháng hàng năm. Phụ nữ có thai cần uống viên sắt hàng ngày, mỗi ngày 1 viên trong suốt thời gian mang thai và tháng đầu sau đẻ.
Tích cực phòng, chống nhiễm giun, nhất là nhiễm giun móc. Thực hiện vệ sinh môi trường, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không dùng phân tươi trong canh tác. Tẩy giun theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Cơ thể con người, tùy thuộc vào tình trạng sinh lý, hàng ngày cần khoảng 1 - 2mg sắt (thậm chí 3mg cho phụ nữ có thai). Nếu chỉ 5% lượng sắt trong thức ăn được hấp thu thì để có được 2mg sắt cho cơ thể, bữa ăn cần phải cung cấp 40mg sắt. Đó là điều không thể đáp ứng được ngay cả với bữa ăn tương đối đầy đủ. Điều đó giải thích ngay cả với các nước công nghiệp phát triển có bữa ăn tương đối đầy đủ như Thụy Điển, Pháp…tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chiếm khoảng 15 - 20%. Vì vậy trong điều kiện nước ta ăn uống đầy đủ vẫn phải uống viên sắt để phòng chống bệnh thiếu máu, đặc biệt ở phụ nữ có thai và trẻ em.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.