03/10/2023 12:47
Vai trò của chế độ ăn uống đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày - thực quản là bệnh lý phổ biến gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Cơ chế trào ngược dạ dày - thực quản được hiểu như sau: Bình thường sau khi thức ăn được đưa vào miệng nhai và nuốt xuống đến thực quản (phần ống nối từ miệng đến dạ dày), các cơ thắt thực quản sẽ giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại.
Tuy nhiên, đối với người bị trào ngược sẽ gặp tình trạng acid từ dạ dày đẩy ngược lên phần thực quản khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như: nóng rát, ợ nóng, ợ chua, vướng nghẹn cổ, tức ngực, viêm họng…
Trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và gây nhiều biến chứng. Người bệnh cần đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định thì cách ăn uống, sinh hoạt có vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo ThS.BSNT. Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, trào ngược dạ dày - thực quản nếu để kéo dài có thể gây các hậu quả nghiêm trọng như: viêm loét thực quản, chít hẹp thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh để kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ và đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, thịt gia cầm bỏ da, hải sản, cá, trứng…
Cần tránh các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn... Tránh thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày, thực quản như: cà phê, trà, gia vị mạnh như hạt tiêu, ớt…
Cần lưu ý tránh các kiểu ăn uống tạo ra nhiều khí trong dạ dày như: ăn quá vội vàng, dùng ống hút khi uống nước, nhai kẹo cao su hoặc uống đồ uống có gas. Không nên ăn quá nhiều mỗi bữa, không nên uống nhiều nước mỗi lần, không nằm ngửa hoặc vận động gắng sức sau khi ăn...
Không ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa sẽ khiến dạ dày căng lên và mở rộng. Điều này làm tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới và gây chứng ợ nóng. Vì vậy, thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, người bệnh nên chia lượng thức ăn ra và ăn trong 5 - 6 bữa nhỏ hoặc 3 bữa chính vừa và 3 bữa phụ. Khi đó dạ dày không bị quá căng, sẽ giúp ngăn chặn việc sản xuất quá nhiều acid.
Đừng ăn quá nhanh
Khi ăn quá nhanh, cơ quan tiêu hóa sẽ khó hoạt động bình thường. Tiêu hóa kém làm tăng nguy cơ trào ngược. Vì vậy, người bệnh nên ăn miếng nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
Không nằm ngay sau khi ăn
Nằm ngay sau khi ăn gây khó tiêu và thức ăn trong dạ dày sẽ ép mạnh hơn vào cơ thắt thực quản dưới dẫn đến trào ngược. Do đó người bệnh cần lưu ý, chỉ nên nằm ngủ sau khi ăn 2-3 giờ, bữa ăn tối không nên ăn quá no. Không ăn vặt vào đêm khuya.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc có thể làm giảm sản xuất nước bọt. Nước bọt giúp trung hòa acid dạ dày. Hút thuốc cũng làm tăng sản xuất acid dạ dày và có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Tránh đồ uống có cồn
Đối với một số người, thỉnh thoảng uống rượu không gây trào ngược nhưng đối với những người khác, ngay cả một ly rượu nhỏ cũng sẽ dẫn đến trào ngược vì rượu làm tăng sản xuất acid dạ dày và giãn cơ thắt thực quản dưới.
Vì vậy, người bị trào ngược dạ dày thực quản cần tránh các đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu, bia và các loại cocktail có pha trộn chất có tính acid như nước cam, chanh...
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.