02/08/2022 10:13
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa gửi văn bản đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Cục Y tế dự phòng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.
Để tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương chỉ đạo, triển khai các các nội dung như:
Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại.
Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;
Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát tại địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen để xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine 2023.
Về phía các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, địa phương trong giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bảo đảm chất lượng và an toàn sinh học để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;
Tiếp tục tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và hoàn thành sớm nhất các mục tiêu, tiến độ đề ra.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phối hợp với các đơn vị để thu thập mẫu bệnh phẩm, thực hiện giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.