24/07/2024 09:29
Ngoài tác nhân ô nhiễm xâm nhập từ bên ngoài, lông động vật, nấm mốc thì khói thuốc lá, bếp củi, bếp gas, các hoạt động hút bụi, dọn vệ sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thường xuyên hít không khí ô nhiễm trong nhà gây đau đầu, kích ứng mắt, dị ứng, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi... Một số cách dưới đây giúp giữ không gian sống trong lành hơn.
Ngăn chặn tác nhân ô nhiễm xâm nhập từ bên ngoài
Đặt thảm chùi chân ở lối vào để giữ bụi bẩn, chất gây ô nhiễm từ giày dép. Bạn có thể kiểm tra chất lượng không khí (AQI) quanh khu vực sống, làm việc hàng ngày trên website, các ứng dụng hoặc cảnh báo của cơ quan chức năng. Nếu AQI trên 100 có nghĩa là chất lượng không khí ở mức kém, có thể tác động đến sức khỏe hô hấp.
Lúc này, gia đình nên đóng cửa ra vào và cửa sổ để giảm các chất ô nhiễm xâm nhập, nhất là nhà ở các khu vực gần đường quốc lộ, khu công nghiệp.
Sử dụng hệ thống thông gió, máy lọc không khí
Những thiết bị lọc không khí, khử mùi được trang bị bộ lọc HEPA có thể loại bỏ mùi hôi, mùi khói thuốc, tác nhân gây dị ứng như mạt bụi, phấn hoa, lông động vật, virus, vi khuẩn... Bác sĩ Thắm khuyên các gia đình nên trang bị máy lọc không khí phù hợp với diện tích phòng để đạt hiệu quả làm sạch tốt nhất. Khi chỉ số AQI ở mức an toàn, gia đình nên mở cửa để lưu thông không khí. Lắp đặt thêm quạt thông gió giúp không gian sống được trao đổi khí tươi liên tục, tránh bí thở.
Nhiều chất gây ô nhiễm không khí trong nhà đến từ nhà bếp. Dù sử dụng bếp gas hay bếp điện thì nấu ăn vẫn thải ra một lượng khí độc như carbon monoxide, nitơ dioxide, bụi mịn vào không gian sống. Cần mở quạt hút mùi, mở cửa sổ hoặc lỗ thông hơi khi nấu ăn để khí độc thoát ra ngoài.
Chú ý vệ sinh hệ thống màng lọc từ thiết bị sưởi, quạt thông gió, điều hòa, máy lọc không khí định kỳ 3-6 tháng một lần. Tránh trường hợp bụi, bào tử nấm mốc tích tụ trong máy, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh hô hấp khi sử dụng.
Chọn đồ nội thất thân thiện với sức khỏe
Theo bác sĩ Thắm, các sản phẩm nội thất làm bằng gỗ nhân tạo như ván ép, ván sợi, ván dăm... chứa một lượng lớn formaldehyde có thể kích ứng mắt, mũi, ảnh hưởng đến thần kinh. Chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng nếu hít phải. Phơi nhiễm formaldehyde ở mức độ cao dễ làm suy giảm chức năng phổi, dẫn tới một số loại ung thư.
Lớp sơn phủ đồ nội thất bằng gỗ nhân tạo chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) khác như benzen, perchloroethylene... có khả năng phát thải vào không gian sống trong thời gian dài. Nếu hít phải có thể gây hại đến hệ hô hấp, mắt, mũi, họng, hệ thần kinh trung ương...
Gia đình có người già, trẻ nhỏ, mắc bệnh hô hấp dễ bị ảnh hưởng. Bác sĩ Thắm khuyên gia đình cân nhắc lựa chọn đồ nội thất từ nguyên liệu thân thiện sức khỏe. Nếu đồ nội thất có mùi hăng nặng, nên đặt tại những không gian thoáng gió cho bớt mùi rồi mới bắt đầu sử dụng.
Trồng cây xanh
Một số cây cảnh như lưỡi hổ, kim ngân, dương xỉ, lô hội, thường xuân, vạn niên thanh có khả năng hút bụi, hấp thụ nhiều chất độc hại, mùi hôi từ khói thuốc lá trong không khí, nhất là ở không gian kín.
Kiểm soát độ ẩm
Không gian ẩm ướt có thể thúc đẩy sản sinh nấm mốc, các tác nhân gây ô nhiễm khác dẫn đến bệnh hô hấp như dị ứng, hen suyễn. Gia đình nên giữ môi trường trong nhà khô ráo, mát mẻ. Theo Hiệp hội sức khỏe Mỹ, duy trì độ ẩm trong phòng ở khoảng 40-60% có thể giảm khả năng tồn tại và lây truyền của một số loại nấm mốc, virus, tối đa hóa chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh hô hấp. Đổ bỏ nước thừa trong khay hứng và vệ sinh máy thường xuyên để ngăn chặn nấm mốc, virus, vi khuẩn trú ngụ.
Vệ sinh nhà cửa, xử lý tác nhân gây mùi hôi
Hút bụi và lau chùi nhà cửa, đồ dùng, thường xuyên giúp loại bỏ bụi bẩn, đất, lông thú cưng và chất gây dị ứng khác khỏi không khí. Sử dụng khăn ẩm thay vì khăn khô để tránh phát tán bụi. Giặt sạch thảm lau chân, chăn ga, gối đệm ít nhất ba lần một tuần và rèm cửa định kỳ ít nhất một lần một tháng.
Phòng tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp ấm, ẩm có thể sinh ra nấm mốc, thường xuất hiện ở bồn rửa, tường, gạch nền. Các gia đình nên thường xuyên vệ sinh, chà sạch nấm mốc sửa hoặc thay mới vòi nước bị rò rỉ.
Bác sĩ Thắm khuyến cáo không nên hút thuốc lá trong nhà, xử lý tận gốc tác nhân gây mùi hôi như rác, cống thoát nước. Cần lưu ý một số sản phẩm tẩy rửa mạnh, dung dịch xịt thơm phòng chứa hóa chất tạo tạo mùi, bảo quản, kháng khuẩn độc. Nếu tiếp xúc lâu dài dễ dẫn đến các vấn đề về hô hấp như ho, hắt hơi, khởi phát cơn hen, dị ứng da, rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ ung thư phổi. Thay chúng bằng các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, tinh dầu tự nhiên giúp tạo hương thơm và đảm bảo sức khỏe.
Theo vnexpress.net
Các cặp đôi sàng lọc tan máu bẩm sinh, máu khó đông, loạn dưỡng cơ Duchenne trước khi kết hôn có thể phòng tránh bệnh di truyền trong quá trình mang thai.