26/09/2023 18:27
Tình trạng đau mắt đỏ diễn biến phức tạp hơn mọi năm
Điển hình, trường hợp Nguyễn Thảo (23 tuổi, Hà Nội), sau hơn 1 tuần bị đau mắt đỏ có hiện tượng nhìn mờ như có màng sương trước mắt. Khi được các bác sĩ kiểm tra, phát hiện virus gây bệnh đã gây tổn thương trên giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
Trước đó, ngay sau khi có triệu chứng, bệnh nhân đã thăm khám bác sĩ và được kê đơn thuốc điều trị. Tuy nhiên sau một tuần, dù tình trạng đau mắt đỏ giảm nhưng mắt của bệnh nhân không nhìn rõ như trước.
PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu – Chủ tịch CLB Giác mạc, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhận định, bệnh đau mắt đỏ năm nay diễn biến phức tạp hơn hẳn mọi năm.
Bên cạnh đó, tình trạng đau mắt đỏ có giả mạc cũng nhiều hơn mọi năm. Nếu như các năm trước, đau mắt đỏ có giả mạc xuất hiện chủ yếu ở trẻ em thì năm nay người lớn cũng bị nhiều. Giả mạc gây cọ sát, trầy xước giác mạc, tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.
Giác mạc khi bị viêm cộng thêm tác động như dụi mắt cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến trầy xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Bác sĩ Châu cho biết thêm, dịch đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng tại mắt có khả năng lây lan mạnh, thường do virus gây ra với triệu chứng chủ yếu là đỏ mắt, cộm, chảy nước mắt.
Theo nghiên cứu mới nhất tại TP.Hồ Chí Minh thì 86% virus gây bệnh là Enterovirus và 14% do Adenovirus.
Hiện vẫn chưa có công bố chính thức, nhưng tuỳ từng chủng loại virus có thể gây bệnh ở những vị trí khác nhau, trên kết mạc là chính nhưng cũng có thể nặng hơn gây tổn thương giác mạc, gây bệnh về đường ruột…
Tuy nhiên, dù loại virus nào thì đau mắt đỏ vẫn là bệnh lành tính và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân được điều trị theo triệu chứng, hạn chế các biến chứng nặng có thể gây ảnh hưởng đến thị lực lâu dài.
Tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đã lây lan khắp cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… có ngày ghi nhận hàng nghìn ca, có một số ca diễn tiến nặng.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, người bệnh bị đau mắt đỏ dẫn tới biến chứng là do tâm lý chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân khi đi khám sẽ được bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng biến chuyển của bệnh, kết hợp sử dụng thuốc hiệu quả.
Nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều sử dụng một loại thuốc kháng sinh, kháng viêm và nước mắt nhân tạo giống nhau đều có thể khỏi bệnh.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đi khám ngay, tuyệt đối không tự mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực.
Đồng thời, giữa lúc dịch đau mắt đỏ đang lây lan mạnh trong cộng đồng, mỗi người cần nâng cao ý thức, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế cụ thể như sau:
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hoặc khi tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời, người bệnh cần đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm do bệnh lây qua đường giọt bắn và dịch tiết kết mạc!
- Sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn nhanh hoặc rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Theo daibieunhandan.vn
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.