23/03/2023 10:16
Ngày nay, chúng ta đều nhận thấy bữa ăn sáng dường như là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe con người. Đặc biệt với những người cao tuổi, duy trì thói quen ăn uống khoa học vào bữa ăn sáng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích:
Bù đắp năng lượng
Sau một giấc ngủ dài, cơ thể cần nhiều năng lượng cho não bộ cũng như các hoạt động sống khác. Đặc biệt là người cao tuổi khi chức năng chuyển hóa giảm, năng lượng dự trữ thấp, không ăn quá nhiều vào buổi tối, hay những người vốn ăn kiêng do mắc tiểu đường, tăng huyết áp thì bữa sáng rất cần thiết để bù lại năng lượng, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Kiểm soát cân nặng
Theo các nhà nghiên cứu, ăn sáng giúp tăng cảm giác no, giảm thèm ăn, nhờ đó giúp hạn chế ăn vặt mỗi ngày hoặc ăn quá nhiều vào các bữa ăn khác và cân nặng được kiểm soát hiệu quả. Một số nghiên cứu dịch tễ học báo cáo rằng những người ăn sáng thường xuyên có chỉ số BMI (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể) thấp hơn so với những người không có thói quen ăn sáng
Hạn chế các bệnh của người cao tuổi
Ăn sáng thường xuyên góp phần giảm trọng lượng cơ thể, nhờ đó giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL- Cholesterol (một loại Cholesterol không tốt đối với cơ thể), hạ huyết áp, tăng độ nhạy của insulin. Do vậy, nếu duy trì ăn sáng thường xuyên, người cao tuổi có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường….
"Bữa sáng còn khá quan trọng với người cao tuổi bởi nếu duy trì thường xuyên sẽ giúp não bộ trở nên tỉnh táo, minh mẫn hơn. Từ đó, giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc phải các bệnh suy giảm trí nhớ, Alzheimer,... ở người cao tuổi. Điều quan trọng là mỗi bữa sáng cần được cung cấp các dưỡng chất sao cho khoa học, hợp lý" - ThS. BS Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - chia sẻ.
Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi với bữa sáng giàu dinh dưỡng
Để có được một bữa sáng đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho người cao tuổi thì cần tuân thủ theo nguyên tắc 4-5-1. Cụ thể, dinh dưỡng trong bữa sáng cũng cần có sự cân bằng giữa 4 yếu tố và đảm bảo ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm góp mặt.
Tuy nhiên, trong 8 nhóm thực phẩm, ưu tiên sử dụng những nhóm này trong bữa sáng của người cao tuổi:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt vốn giàu tinh bột, đi kèm cung cấp chất xơ và các vitamin thiết yếu. Các loại ngũ cốc khuyên dùng như yến mạch, gạo lức; hoặc thực phẩm chế biến như bún hoặc miến lức.
- Rau xanh và hoa quả: Đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Rau xanh, hoa quả trong bữa sáng có thể là các món rau ăn kèm hoặc chế biến thành canh hoặc sinh tố, nước ép.
- Protein từ thịt trắng: Protein (đạm) đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, người cao tuổi cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thay vào đó có thể ăn thịt trắng (thịt gà, cá) để cung cấp đầy đủ protein.
"Càng nhiều tuổi thì quá trình chuyển hoá trong cơ thể càng kém, khó hấp thu đi kèm với đó là sức đề kháng yếu do giảm khả năng thích nghi. Một bữa sáng dinh dưỡng khoa học với những thực phẩm tươi sống, chất lượng sẽ giúp người cao tuổi vừa có đầy đủ năng lượng mà còn giúp nâng cao hệ miễn dịch tối ưu." - ThS. BS Lê Thị Hải nhấn mạnh.
Duy trì thói quen ăn sáng với nhóm thực phẩm như trên sẽ giúp cơ thể không chỉ được cung cấp đầy đủ năng lượng mà còn giúp nâng cao hệ miễn dịch ở người cao tuổi.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Các cặp đôi sàng lọc tan máu bẩm sinh, máu khó đông, loạn dưỡng cơ Duchenne trước khi kết hôn có thể phòng tránh bệnh di truyền trong quá trình mang thai.