13/07/2023 17:04
1. Khi nào được coi là tăng huyết áp
BSCKII. Lê Xuân Bách, Chủ nhiệm Khoa Nội điều trị cán bộ, Bệnh viện Quân y 7 cho biết: Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.
Theo BS. Lê Xuân Bách, nếu huyết áp cao không được phát hiện trong một thời gian dài thì có thể gây hại cho tim, mạch máu, thận và các bộ phận khác của cơ thể. Các biến chứng thường gặp bao gồm: suy tim, suy giảm trí nhớ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não, suy thận...
Khi được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, việc uống thuốc mỗi ngày theo đơn của bác sĩ là điều rất quan trọng để kiểm soát mức huyết áp. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, chế độ ăn hàng ngày, lối sống lành mạnh và tập luyện... rất quan trọng giúp kiểm soát huyết áp, phòng ngừa biến chứng.
2. Quản lý tăng huyết áp với chế độ ăn uống lành mạnh
BSCKII. Lê Xuân Bách thông tin, một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị tăng huyết áp là tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm hạn chế lượng natri ăn vào. Hằng ngày nên chọn thực phẩm và gia vị ít natri và không thêm muối, đồng thời đọc kỹ nhãn thông tin dinh dưỡng để xác định lượng natri được thêm vào thực phẩm đóng gói và chế biến.
Theo BSCKII. Lê Xuân Bách, người bị tăng huyết áp có thể thực hành một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, như chế độ ăn kiêng DASH (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension - chế độ ăn kiêng cho người tăng huyết áp). Trong đó tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, cá, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt, quả hạch và dầu thực vật.
Kế hoạch ăn kiêng DASH cũng hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa, bao gồm thịt mỡ, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, dầu nhiệt đới như dầu dừa và dầu cọ, cũng như đồ uống có đường và đồ ngọt khác.
Một số thực phẩm tốt cho người tăng huyết áp như: trái cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh...), cá hồi và các loại cá béo, hạt bí ngô, các loại đậu, quả mọng...
3. Chế độ ăn DASH ngăn chặn tăng huyết áp hiệu quả
DASH là chế độ ăn lành mạnh được thiết kế với mục đích hỗ trợ điều trị tăng huyết áp hoặc phòng ngừa tăng huyết áp. Đây là phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngăn chặn tăng huyết áp. Chế độ ăn kiêng DASH cũng có thể giúp giảm cholesterol liên quan đến bệnh tim, được gọi là cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL).
Khi tuân theo DASH, điều quan trọng là chọn thực phẩm theo các tiêu chí sau:
- Giàu kali, canxi, magie, chất xơ và protein.
- Ít chất béo bão hòa.
- Ít muối.
Chế độ ăn kiêng DASH tập trung vào rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ DASH bao gồm các sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo, cá, thịt gia cầm, đậu và hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, còn gọi là natri.
Hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ giai đoạn 2020-2025 khuyến nghị tiêu thụ ít hơn 2.300 mg natri mỗi ngày. Những người bị tăng huyết áp có thể cần phải hạn chế lượng natri nhiều hơn nữa. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị giới hạn lý tưởng không quá 1.500 mg mỗi ngày đối với người lớn bị tăng huyết áp. Nếu không chắc mức natri phù hợp với mình, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Khi bạn theo chế độ ăn kiêng DASH, bạn không cần loại thực phẩm hoặc đồ uống đặc biệt nào. Thực phẩm trong chế độ ăn kiêng DASH có tại các cửa hàng tạp hóa và trong hầu hết các nhà hàng. Dưới đây là phần ăn được khuyến nghị từ mỗi nhóm thực phẩm cho chế độ ăn kiêng DASH 2.000 calo mỗi ngày:
Gợi ý khẩu phần cho người ăn kiêng DASH Ngũ cốc: 6-8 khẩu phần mỗi ngày. Một phần ăn có thể là 120g ngũ cốc nấu chín từ gạo hoặc mì ống, 1 lát bánh mì hoặc 30g ngũ cốc khô. Rau: 4-5 khẩu phần mỗi ngày. Một khẩu phần tương đương 1 chén rau lá xanh sống, 1/2 cốc rau sống hoặc nấu chín cắt nhỏ, hoặc 1/2 cốc nước ép rau (mỗi cốc khoảng 200ml). Trái cây: 4-5 phần mỗi ngày. Một khẩu phần là một loại trái cây cỡ vừa như 1 quả táo, 1 quả cam, 1/2 cốc trái cây tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp, hoặc 1/2 cốc nước ép trái cây. Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo: 2-3 khẩu phần mỗi ngày. Một khẩu phần là 1 cốc sữa tươi không đường hoặc sữa chua, hoặc 1 miếng pho mát 15g. Thịt nạc, thịt gia cầm và cá: không quá 6 khẩu phần hoặc ít hơn mỗi ngày. Một khẩu phần khoảng 30g thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm hoặc cá nấu chín, hoặc 1 quả trứng. Các loại hạt, đậu khô và đậu Hà Lan: 4-5 phần ăn một tuần. Một khẩu phần là 1/3 cốc hạt, 2 thìa bơ đậu phộng, hoặc 1/2 cốc đậu khô nấu chín hoặc đậu Hà Lan. Chất béo và dầu: 2-3 phần ăn mỗi ngày. Một khẩu phần là 1 muỗng cà phê bơ thực vật mềm, 1 muỗng cà phê dầu thực vật, 1 muỗng canh sốt mayonnaise hoặc 2 muỗng canh nước xốt salad. Đồ ngọt và đường bổ sung: 5 phần ăn hoặc ít hơn một tuần. Một khẩu phần là 1 muỗng canh đường, thạch hoặc mứt, 1/2 cốc kem hoặc 1 cốc nước chanh. |
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.