23/10/2023 10:21
Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ: Điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Quyết định 3896/QĐ-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/ 2023.
Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 hết hiệu lực.
Bộ Y tế yêu cầu các ông/ bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các bộ, ngành; thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Quyết định nêu rõ, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra). Theo đó, bệnh COVID-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.
Trước đó, theo quy định tại Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19 là 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới đối với bệnh COVID-19 là 28 ngày.
Bộ Y tế cho biết, việc sửa đổi thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống từ 14 ngày còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh COVID-19 mới giảm từ 28 ngày còn 8 ngày căn cứ trên cơ sở khoa học; diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay; và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 11.624.065 ca COVID-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca nhiễm). Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.953 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN). Việt Nam cũng đã tiêm 266.532.582 liều vaccine phòng COVID-19.
|
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.