07/06/2023 14:35
Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, đối với các vấn đề sức khỏe của cộng đồng, nhà nước có các mức can thiệp khác nhau từ thấp lên cao. Với bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, thì Quốc hội đã cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế quyền.
Hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn còn nhưng thấp hơn ngưỡng lây lan của dịch vẫn chỉ dừng ở cấp độ 1, số người tử vong do Covid-19 rất thấp (thấp hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm như lao phổi, cúm mùa…) thì việc công bố bệnh Covid-19 không còn thuộc nhóm A và công bố hết dịch là điều cần thiết.
Hiện đã có nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu (như Paxlovid, Molnupiravir, các thuốc là kháng thể đơn dòng kháng virus) và không đặc hiệu đã được phát triển trong thời gian vừa qua.
Do đó, theo ông Dũng, ở thời điểm này, chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Việt Nam có nhiều thuận lợi. Covid-19 không còn là bệnh lây lan nhanh và gây tử vong cao do toàn bộ người dân đã được tiếp cận vaccine Covid-19 và đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mặc dù còn có một số rất ít người dân còn quan ngại về Covid-19 nhưng đa số người dân đã hiểu rõ về bệnh này nên dù không chủ quan nhưng người dân không còn quá e ngại về Covid-19 và mong muốn Chính phủ chuyển Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để tiến tới phục hồi hoàn toàn nền kinh tế đất nước.
Ngành y tế và nhân viên y tế trong nước đã có kinh nghiệm trong phòng ngừa, điều trị bệnh Covid-19 và đã nâng cao năng lực kỹ thuật trong giám sát dịch tễ về sự xuất hiện các biến chủng Covid-19 mới.
Ở bình diện quốc tế, bệnh Covid-19 đã được khống chế, tỷ lệ tử vong do Covid-19 từ đầu năm 2023 đã giảm ít nhất 20 lần so với trước đây. Covid-19 đang được giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới nên ít có khả năng gây bất ngờ.
Tác nhân gây bệnh hiện nay chủ yếu là biến chủng Omicron - biến chủng có mức độ gây bệnh chuyển nặng thấp hơn so với các biến chủng trước đây. Các giám sát dịch tễ học phân tử cho thấy dường như biến chủng này có rất ít khả năng tạo ra biến chủng có quan ngại.
Do đó, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới công bố Covid-19 không còn là là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới cũng ủng hộ các quốc gia dựa vào tình hình dịch tễ trong nước để công bố hết dịch nhằm cải thiện vấn đề đi lại và giao thương quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế quan tâm các vấn đề như tiếp cận nguồn vaccine, hỗ trợ về kỹ thuật phát hiện các biến chủng virus mới, thực hiện biện pháp kiểm dịch quốc tế,... cho từng quốc gia, dù quốc gia đó có công bố dịch hay không.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, việc chuyển Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A cũng có một số thách thức. Trên bình diện thế giới, dù khả năng Covid-19 tạo ra biến chủng mới là rất thấp nhưng trên lý thuyết vẫn có thể xảy ra, vì vậy vẫn cần phải giám sát dịch tễ và sinh học phân tử của sự xuất hiện biến chủng mới. Từng quốc gia vẫn tiếp tục kiểm soát các ca bệnh Covid-19.
Dù đa số người dân đã được tiêm chủng nhưng một số người do bệnh lý (như ung thư đang hóa trị, do phản vệ khi tiêm vaccine) nên chưa có được miễn dịch đầy đủ với Covid-19.
Do đó, đối tượng này cần phải quan tâm và ngành y tế cần giúp những người này có thể tiếp cận với dịch vụ phòng bệnh Covid-19 và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ.
Những bệnh nhân cao tuổi, người mắc bệnh nền dù rằng đã được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nhưng miễn dịch ở những người này không bền vững. Để tiếp tục bảo vệ các đối tượng này, nhà nước cần tìm cơ chế để tiêm chủng miễn phí các mũi tiêm nhắc Covid-19 cho đối tượng này.
Xã hội cần quan tâm thực hiện biện pháp phòng, tránh Covid-19 để bảo vệ người cao tuổi và người có bệnh nền, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu có mắc bệnh Covid-19.
Sự thiếu hụt nhân viên y tế ở tuyến cơ sở là một vấn đề cũ nhưng vẫn chưa được giải quyết đầy đủ. Vì vậy, một thách thức hiện nay là cần nhanh chóng củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Ngoài ra, hiện có thiểu số nhất định cán bộ y tế có tâm lý e dè với các quy định chặt chẽ phòng chống tham nhũng. Để nhanh chóng phục hồi nhiệt huyết muốn cống hiến trong ngành thì cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng nhưng nên nhanh chóng giải quyết và bỏ qua những sai sót không do cố ý của nhân viên y tế xảy ra trong thời gian Covid-19 lan rộng.
Theo nhandan.vn
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.