17/02/2025 10:25
Theo bác sĩ Bùi Thị Bích Ngọc - Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay tại Việt Nam có nhiều loại vắc-xin cúm được sử dụng, chủ yếu bao gồm vắc-xin cúm tam giá và vắc-xin cúm tứ giá. Trong đó, vắc-xin tam giá Ivacflu-S phòng được 3 chủng: 2 chủng cúm A và 1 chủng cúm B. Các vắc-xin tứ giá (Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra, GC Flu Quadrivalent) phòng được 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.
Để tiêm vắc-xin cúm có hiệu quả, thì sau khi chích vắc-xin cơ thể cần thời gian để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm. Thông thường, vắc-xin cúm bắt đầu có hiệu quả sau 2-3 tuần kể từ khi tiêm. Với thời gian bảo vệ của vắc-xin có thể kéo dài từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, do virus cúm liên tục biến đổi, nên việc tiêm nhắc hàng năm là cần thiết để duy trì khả năng bảo vệ tốt.
Bên cạnh đó, mọi người sau chích vắc-xin vẫn có thể mắc cúm mùa. Các nguyên nhân có thể như: thời gian để vắc-xin phát huy hiệu quả sau chích ngừa chưa đủ; mắc phải chủng cúm không có trong vaccine; cơ thể không tạo ra kháng thể sau chích ngừa; không chích nhắc lại hàng năm. Tuy nhiên, phần lớn những người bị mắc cúm sau khi tiêm vắc-xin sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh so với người chưa tiêm chủng.
Vì vậy, Bác sĩ Bùi Thị Bích Ngọc lưu ý, tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên chích ngừa cúm. Đặc biệt, người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm được khuyến cáo chủng ngừa theo lịch bao gồm:
- Người > 65 tuổi
- Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi
- Người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, bệnh phổi, thận, ung thư, suy giảm miễn dịch…
- Người tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm
Bác sĩ khuyến cáo cúm có nhiều chủng và các chủng cũng có sự biến đổi liên lục, nên các chủng cúm trong vắc-xin cũng được Tổ chức Y tế thế giới quy định hàng năm để phù hợp với tình hình các chủng cúm đang lưu hành. Vì vậy, mọi người kể cả đã mắc bệnh vẫn nên chích ngừa cúm.
Đối với trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được chủng ngừa trước đó, cần tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, sau đó chích nhắc lại hàng năm. Với trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn, cần tiêm 1 mũi và chích nhắc lại hàng năm.
WHO kêu gọi các nước châu Âu dán nhãn cảnh báo ung thư rõ ràng và nổi bật trên đồ uống có cồn, tương tự như nhãn cảnh báo trên thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ ung thư do rượu gây ra.