16/01/2022 12:53
Dịch vụ thức ăn sáng của gia đình bà Kim Thị Ngọc Chung (phải).
Hàng năm vào dịp Tết, ngoài những hàng hóa thiết yếu cũng như mặt hàng bánh kẹo người tiêu dùng mua để dự trữ chuẩn bị đón Tết, mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gia cầm được các cơ sở sản xuất mua để chế biến các món ăn như lạp xưởng, patê, chả lụa… để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết đến. Tuy nhiên, năm nay qua ghi nhận của chúng tôi do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất đã làm giảm lợi nhuận và thu nhập, nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Vì thế, mặt hàng thịt tươi sống tiêu thụ chậm hơn mọi năm. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, nên các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh không tập trung sản xuất, kinh doanh sản phẩm patê, chả lụa, lạp xưởng với khối lượng lớn như những năm trước, chỉ mua mặt hàng này chế biến theo nhu cầu của khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hương, chủ quầy thịt heo ở chợ Trà Vinh cho biết, hàng năm vào thời điểm này, giá thịt heo và sức mua tăng mạnh, nhưng năm nay giá thịt heo vẫn bình ổn, sức mua giảm. Cụ thể, thịt heo sườn non, thịt ba rọi có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, thịt đùi, nạc đùi giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Những năm trước, vào thời điểm tháng Tết, sức bán thịt heo tại quầy tăng gấp 02 - 03 lần so với những tháng thường. Năm nay, trung bình bà mua ở các lò giết mổ khoảng 200kg thịt heo các loại bày bán ở chợ Trà Vinh, sức bán giảm từ 30 - 40% so với trước.
Gần Tết, chỉ những mặt hàng nhu yếu phẩm tăng từ 05 - 10% so với những tháng trước, như mì tôm, đường, dầu ăn, nước tương, nước mắm và gia vị các loại…, đặc biệt là mặt hàng dầu ăn, mì tôm tăng mạnh dao động từ 08 - 10%, các mặt hàng khác như bánh, sữa, bia, nước giải khát, đậu các loại vẫn bình ổn.
Bà Bùi Ngọc Thẩm, chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp Bích Thủy ở chợ Trà Vinh cho biết: hàng năm vào thời điểm này, ngoài dự trữ những mặt hàng thiết yếu, cửa hàng đã nhập những mặt hàng bánh, mứt phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự đoán sức mua giảm mạnh, người tiêu dùng không dự trữ hàng hóa như trước mà chỉ mua những mặt hàng cần thiết tiêu dùng trong sinh hoạt. Chính vì thế, cửa hàng không dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm. Còn mặt hàng bánh, mứt, cửa hàng dự tính sẽ nhập hàng bắt đầu từ ngày 15/12 âm lịch trở lên, nhưng số lượng không nhiều. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, trước mắt, cửa hàng khảo sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, sau đó sẽ có kế hoạch nhập hàng bánh, mứt để bán Tết.
Trong khi mặt hàng nhu yếu phẩm tăng, thịt tươi sống bình ổn, thì các dịch vụ ăn uống có biến động tăng nhẹ do nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán ra theo đó tăng lên. Nguyên nhân tăng, do gần đây tuy dịch bệnh còn phức tạp nhưng người dân đã thích ứng, linh hoạt, an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Vì thế, các dịch vụ ăn uống mở cửa kinh doanh hoạt động trở lại nhộn nhịp hơn và do nhu cầu tăng cao nên đã thúc đẩy mặt hàng rau, củ, quả và những gia vị tăng lên.
Bà Kim Thị Ngọc Chung, bán thức ăn sáng ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành cho biết: gần đây, giá rau cải tăng cao như xà lách từ 5.000 đồng/kg lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, rau cần từ 13.000 - 15.000 đồng/kg tăng giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, ngò rí, hành lá, rau giá tăng lên từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Do những mặt hàng này cần dùng trong món ăn hủ tiếu nên giá bán ra cũng tăng theo. Hàng ngày, bà thu lợi nhuận từ bán hủ tiếu, cháo khoảng 80.000 - 100.000 đồng, do vùng quê nông thôn, thêm dịch bệnh, làm ăn khó khăn nên số lượng khách hàng đến quán ăn sáng ít.
Trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Tết sắp đến, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, người tiêu dùng gặp khó khăn, nhất là áp lực chi tiêu hàng hóa tăng giá trong mùa dịch. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành liên quan khảo sát các đơn vị phân phối mặt hàng thiết yếu lớn trong tỉnh như hệ thống các siêu thị và cửa hàng tiện ích về dự trữ hàng hóa hỗ trợ người tiêu dùng. Các đơn vị này đã cam kết dự trữ đầy đủ hàng hóa và thực hiện bình ổn giá.
Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường Trà Vinh, các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp có hành vi đầu cơ, găm hàng, hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng không có nhãn mác, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.