11/07/2022 05:15
Quyết định này quy định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSN y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, bao gồm các ĐVSN công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.
Đối tượng áp dụng
Quyết định nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm: (1) Các ĐVSN y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định có tổng nguồn thu, bao gồm nguồn thu sự nghiệp và dự toán chi thường xuyên năm 2021 được ngân sách nhà nước cấp (nếu có) không đủ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19; (2) Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSN công lập trong lĩnh vực y tế thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19.
Quyết định này không áp dụng đối với các cơ sở được thành lập để thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 gồm: bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; bệnh viện điều trị Covid-19; bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19; trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
Không hỗ trợ chi thường xuyên để chi thu nhập tăng thêm
Về nguyên tắc hỗ trợ, Quyết định nêu các ĐVSN y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định được xác định có tổng nguồn thu nhỏ hơn tổng chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021 thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên.
Không hỗ trợ chi thường xuyên để chi thu nhập tăng thêm và trích lập các Quỹ theo cơ chế tự chủ của ĐVSN công lập.
Mức hỗ trợ chi thường xuyên
Quyết định nêu rõ số chênh lệch thu chi được xác định theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSN công lập, Thông tư số 71/2006/TT-BTC, ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 của Chính phủ thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với ĐVSN công lập và theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm tự chủ của một số bệnh viện.
Trường hợp đơn vị được ngân sách nhà nước thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thì đơn vị phải tổng hợp số được ngân sách nhà nước thanh toán vào số thu và số chi của đơn vị để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
Đối với các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 được ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả theo quy định tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP, ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15, ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị tổng hợp riêng, không tính vào số chi để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
Mức hỗ trợ chi thường xuyên năm 2021 là số được bổ sung dự toán bằng số chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021 của ĐVSN y tế công lập sau khi trừ đi số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư (nếu có) đến hết ngày 31/12/2021.
Thời gian thực hiện hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSN y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 được thực hiện kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Ngân sách trung ương hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSN y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý.
Ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn cải cách tiền lương còn dư) hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSN y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 thuộc địa phương quản lý.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Theo báo điện tử Chính phủ
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.