13/09/2023 14:29
1. Dấu hiệu đường ruột yếu
Nhiệm vụ của đường tiêu hóa là tiếp nhận thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và thải chất thải. Ruột khỏe mạnh thường hoạt động bình thường khi bạn tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng thức ăn tốt và đi tiêu đều đặn khoảng 1-2 lần mỗi ngày. Không có các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón…
Khi đường ruột "bị ốm" có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau trên khắp cơ thể, bao gồm:
Khó chịu ở dạ dày: Nếu dạ dày thường xuyên khó chịu do các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón và đau bụng thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Nghiên cứu cho thấy, sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể là nguyên nhân phát triển hội chứng ruột kích thích ở một số người.
Mệt mỏi: Những người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể bị mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng gần một nửa số người bị mệt mỏi cũng mắc hội chứng ruột kích thích.
Thèm ăn: Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến dư thừa vi khuẩn "xấu" trong ruột và gây rối loạn hệ vi sinh vật. Nghiên cứu về sự thay đổi cân nặng không chủ ý đã tìm thấy sự khác biệt trong hệ vi sinh vật đường ruột của người gầy và người béo phì. Chế độ ăn nhiều chất béo và carbohydrate tinh chế có thể thúc đẩy vi khuẩn đường ruột có liên quan đến béo phì.
Dị ứng: Đường ruột không khỏe mạnh có thể đóng một vai trò phức tạp trong các tình trạng dị ứng bao gồm dị ứng đường hô hấp, dị ứng thực phẩm và dị ứng da. Nghiên cứu về kích ứng da cũng cho thấy mối liên hệ giữa đường ruột không khỏe mạnh và các vấn đề về da như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, bệnh chàm.
Các vấn đề về tâm trạng: Có một mối liên hệ được chứng minh rõ ràng giữa ruột và não, ảnh hưởng của ruột cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Nghiên cứu đã chứng minh rối loạn đường ruột và viêm ở hệ thần kinh trung ương có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây lo lắng, trầm cảm.
2. Cách ăn uống để cân bằng sức khỏe đường ruột
Khi bạn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe đường ruột, cách tốt nhất bạn cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để khám xác định nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên mọi người nên chú ý chế độ ăn uống và lựa chọn thực phẩm. Đây cũng là biện pháp tự nhiên quan trọng có thể cân bằng và phục hồi đường ruột khỏe mạnh.
Bước đầu tiên nên xác định và loại bỏ những thực phẩm gây khó chịu, ảnh hưởng đến niêm mạc ruột, điều này có thể giúp đường tiêu hóa được nghỉ ngơi và có cơ hội chữa lành.
Ăn các thực phẩm và uống đồ uống giúp hỗ trợ đường ruột như: thực phẩm lên men, prebiotic, thực phẩm giàu chất xơ… giúp hình thành hệ vi sinh vật có lợi. Cần uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa, uống các loại trà như trà gừng, hoa cúc, bạc hà hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, chúng ta cần có chế độ ăn đủ chất, cân bằng với 4 nhóm thực phẩm. Chú ý ăn nhiều rau xanh, quả chín. Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm lên men từ rau xanh như: kim chi, cà, dưa muối có nhiều lợi khuẩn; các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua giúp tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh… |
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.