28/11/2022 16:46
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) vừa tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu, nhằm kêu gọi các cá nhân, tổ chức và cộng đồng cùng hành động để bảo vệ sức khỏe con người và động vật bằng cách ngừng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách.
Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi tới các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về vấn đề tăng cường nhận thức để ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách, góp phần ngăn ngừa kháng kháng sinh.
Theo WHO, kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực châu Á- Thái Bình Dương và toàn thế giới. Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng nên nếu không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Chính vì vậy, thời điểm hiện tại chính là lúc cần xem xét lại và đưa những nỗ lực của chúng ta trở lại đúng hướng, để giải quyết vấn đề kháng thuốc.
Để làm điều này, chúng ta cần thực hiện cách tiếp cận "Một sức khỏe" – tập hợp các ngành và các bên liên quan trong nỗ lực hợp tác để giải quyết gốc rễ của các vấn đề, trong đó có tình trạng kháng kháng sinh.
"WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu trong tương lai. Kháng sinh là một trong những khám phá quan trọng nhất của nhân loại, do đó chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ chúng. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải cùng nhau ngăn chặn kháng kháng sinh", Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng.
Kháng sinh chỉ nên sử dụng cho động vật khi thực sự cần thiết
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sử dụng kháng sinh sai cách trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt là một mối quan tâm lớn, do nguy cơ xuất hiện và lây lan của các vi sinh vật kháng kháng sinh.
Trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định nhằm loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi một cách không cần thiết, như dùng kháng sinh cho mục đích phòng bệnh. Người nông dân cũng được yêu cầu phải có đơn thuốc thú y để được sử dụng một số loại kháng sinh.
"Năm nay, chúng tôi một lần nữa kêu gọi người chăn nuôi tham khảo ý kiến của các chuyên gia thú y và chủ cửa hàng thuốc thú y trước khi sử dụng kháng sinh. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng cho động vật khi thực sự cần thiết’, ông Phùng Đức Tiến cho biết.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cũng cho biết, kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu. Các vi sinh vật và gene kháng thuốc không phân biệt ranh giới địa lý hoặc vùng sinh thái. Tính kháng thuốc phát sinh ở một vị trí địa lý hoặc một loài có thể dễ dàng lây lan sang các vị trí địa lý khác thông qua sự di chuyển của thức ăn, nguồn nước, động vật và con người.
FAO đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để bảo đảm phổ biến đầy đủ các quy định mới về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như giám sát sự hiện diện của các vi sinh vật kháng kháng sinh trên động vật và thực phẩm.
Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam khuyến khích việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi, điều này sẽ giúp giữ môi trường và thực phẩm không có dư lượng kháng sinh và vi sinh vật kháng kháng sinh.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.