06/04/2023 08:12
Một chế độ ăn thỏa mãn nhu cầu magiê của cơ thể là một trong các yếu tố giúp tăng cường sức khoẻ, phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường và loãng xương.
Vai trò của magiê trong cơ thể
Magiê (Mg) là chất khoáng đa lượng có vai trò rất quan trọng với nhiều chuyển hóa trong cơ thể. Magie có thể thay thế canxi trong vận chuyển và quá trình khoáng hóa tạo xương, tích hợp các chất khoáng, có chức năng như một enzyme co-factor, định hình hoạt động của các hormon trong cơ thể. Mg còn có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng liên kết, bao gồm cả sao chép DNA và tổng hợp protid. Magiê là thành phần rất quan trọng trong hơn 350 enzym trong cơ thể. Magiê được sử dụng để điều tiết đường huyết và giúp phòng tránh bệnh tiểu đường. Magiê giúp các mạch máu mềm mại để chở máu đi khắp cơ thể, từ đó làm hạ huyết áp. Những người có chế độ ăn giàu magiê hoặc ăn bổ sung magiê sẽ giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa.
Magiê cũng giúp ngăn ngừa việc thừa canxi trong cơ thể, ngăn các động mạch khỏi tình trạng xơ cứng do thừa canxi. Bên cạnh đó, việc bổ sung magiê có thể giúp giảm stress và lo âu.
Magiê làm giảm độ dẫn truyền và giảm kích thích cơ tim nên được dùng điều trị rối loạn thần kinh tim; magie chống giảm ôxy máu, bảo vệ thành mạch máu, là chất ổn định tiểu cầu. Magiê kích thích chức năng thận, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loại hormon...
Mối liên quan giữa magiê và bệnh tim mạch
Magiê là một thành phần quan trọng trong hoạt động chức năng của tim, có tác dụng làm giảm nhu cầu về ôxy của cơ tim trong yên tĩnh cũng như trong lao động, tập luyện, giúp tăng cường chức năng của tim và phòng ngừa các bệnh tim.
Nghiên cứu của Kieboom và công sự của Trung tâm y khoa, Đại học tổng hợp Rotterdam, Hà Lan (công bố năm 2016) cho thấy nồng độ magie thấp trong huyết thanh có mối liên quan với tăng nguy cơ tử vong của bệnh mạch vành và tử vong đột ngột vì bệnh tim. Thiếu magiê trong cơ thể, thậm chí ở mức độ không nhiều có thể là nguyên nhân của các bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
Khoa học đã chứng minh rằng, acid amin lecitin có tác dụng điều hoà chuyển hoá cholesterol trong cơ thể. Tuy nhiên, lecitin không được tổng hợp đủ nếu thiếu men có chứa pirydoxin (vitamin B6) mà loại men này hoạt động được phải có xúc tác của magiê. Như vậy, để giảm hàm lượng cholesterol máu, cần phải có chế độ ăn giàu magiê, vitamin B6, cholin.
Chế độ ăn uống thiếu magiê dẫn đến tăng sự xâm nhập ion canxi và tế bào và đào thải magiê ra khỏi tế bào. Quá trình này làm mất cân bằng ion và dẫn đến những biến đổi chức năng trong hoạt động của tim, là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim (đau thắt ngực, nhồi máu), suy tuần hoàn, rối loạn nhịp tim.
Magiê có ở đâu?
Magie được cung cấp cho cơ thể hằng ngày nhờ thức ăn và nước uống: gạo, ngô, khoai, sắn, đậu đỗ, vừng lạc, thịt, cá, trứng, sữa, nước uống đun sôi, nước cứng, nước khoáng... Magiê có mặt trong nhiều loại rau lá có màu sẫm như rau ngót, cải xanh, rau mùng tơi, một số loại rau thơm...; trong một số trái cây như chuối, quả bơ, trái cây khô. Trường hợp cơ thể thiếu magie nghiêm trọng, bác sĩ có chỉ định dùng magie ở dạng dược phẩm.
Tình trạng cơ thể bị thiếu magiê trong cộng đồng cũng trầm trọng như tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là ở những vùng dùng nước mưa trong ăn uống. Người già có nguy cơ cao bị thiếu magiê do ăn ít, do giảm khả năng hấp thụ magiê của ruột, do tăng bài tiết magiê qua thận và sử dụng một số thuốc trong chữa bệnh. Sử dụng magiê bổ sung ở dạng dược phẩm có thể giúp người già tránh khỏi tình trạng cơ thể bị thiếu magiê. Các loại dược phẩm bổ sung magiê như: magnesium oxide, magnesium carbonate, magnesium lactate, magnesium sulfate... Sử dụng bổ sung magiê sẽ có hiệu quả tốt ở những người uống nhiều rượu bia, các bệnh đại tràng mạn...
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu magie hàng ngày của người tuổi 20-69: nam giới cần đủ 340-379mg/ngày, nữ giới 270 -290mg/ngày. Để cung cấp đủ magiê trong chế độ ăn, cần đa dạng các thực phẩm khác nhau.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.