04/01/2023 10:28
1. Nguyên nhân gây đau xương khớp khi thời tiết lạnh
Vào những ngày thời tiết giá lạnh kèm theo ẩm ướt kéo dài, những người mắc bệnh khớp thường cảm thấy rõ hơn tình trạng đau nhức tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay. Các khớp sưng và đỏ, có thể tê cứng gây cản trở tới vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân chủ yếu do lưu thông tuần hoàn máu kém. Khi trời lạnh, cơ thể cố gắng dự trữ năng lượng, khí lạnh vào da và làm các mạch máu co lại. Lưu thông máu kém sẽ khiến cho lưu thông dịch khớp và máu nuôi dưỡng khớp giảm, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị tổn thương gây nên đau nhức.
Ngoài ra, tình trạng rối loạn tuần hoàn trong cơ thể bao gồm tuần hoàn tại vị trí khớp, độ nhớt máu, dịch khớp, độ kết tủa của muối, thay đổi nồng độ các chất trung gian hóa học trong cơ thể… cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng các cơn đau khớp trong mùa lạnh.
Ở người cao tuổi có sẵn các bệnh lý xương khớp mạn tính kèm theo hệ miễn dịch suy giảm cũng khiến cho tình trạng thoái hóa xương khớp và đau tăng lên do trời lạnh ít vận động hơn, không lưu thông khí huyết…
2. Ăn nhiều muối có hại cho xương khớp như thế nào?
Quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có hại cho chúng ta. Người ta đã chứng minh rằng lượng muối dư thừa gây ra các vấn đề như tăng huyết áp và giữ nước. Hơn nữa, lượng muối dư thừa có thể gây kích ứng khớp và dẫn đến sưng tấy.
Felicia Cosman, bác sĩ nội tiết, Giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Columbia ở New York, đồng thời là phát ngôn viên của Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: "Muối được biết là nguyên nhân gây bài tiết canxi quá mức qua thận. Càng ăn mặn, bạn càng bị mất nhiều canxi".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có chế độ ăn nhiều muối dễ bị loãng xương và gãy xương hơn những người ăn nhạt.
Để có sức khỏe tối đa cho xương, Tiến sĩ Cosman khuyên bạn nên ăn lượng muối vừa phải. "Hãy giữ lượng tiêu thụ natri dưới 2.300 miligam mỗi ngày để giúp hạn chế các vấn đề xương khớp của bạn". Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cảnh báo rằng nếu bạn mắc các bệnh khác như tăng huyết áp, bạn có thể cần hạn chế muối hơn nữa.
TS. Lê Thị Thùy Dung, Đại học Y Hà Nội cho biết: Lượng natri cao liên tục được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương do loãng xương, đặc biệt nếu lượng canxi hấp thụ thấp.
Muối là nguồn cung cấp natri chủ yếu cho cơ thể và có tác dụng duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cân bằng lượng nước và duy trì điện thế, dẫn truyền xung động thần kinh. Tuy nhiên, quá thừa muối trong khẩu phần ăn có thể gây tăng đào thải canxi qua thận, do vậy làm giảm lượng canxi qua thời gian có thể gây bệnh loãng xương.
Ngoài ra, chế độ ăn quá nhiều muối còn có thể làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nguy hiểm như tăng huyết áp và các biến cố tim mạch khác...
TS. Lê Thị Thùy Dung thông tin thêm, một nghiên cứu trước đây được thực hiện trên 4.000 phụ nữ mãn kinh của Tổ chức Kiến tạo sức khỏe phụ nữ (WHI) đã đưa ra kết luận rằng: Mức độ hấp thụ và tiêu thụ natri cao hơn mức trung bình có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương hông cũng như tình trạng mất khoáng chất của xương nhiều hơn ở những người ăn chế độ nhiều muối so với những người ăn nhạt hơn.
3. Lời khuyên để hạn chế cơn đau khớp mùa lạnh
Các bác sĩ cho biết, không thể điều trị dứt điểm các bệnh về xương khớp, nhưng người bệnh có thể phục hồi và làm giảm được triệu chứng của bệnh trong cuộc sống hằng ngày nếu thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống.
Vào mùa lạnh, người bệnh khớp thường ít vận động hơn nên càng khiến các khớp khó vận động và co cứng. Do vậy, các bác sĩ khuyên người bệnh nên thường xuyên vận động tay chân, duy trì các môn thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, đạp xe,... để giúp cơ thể dẻo dai hơn.
ười bệnh nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt chú ý đến các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài như khớp bàn tay, bàn chân và đầu gối… Khi có dấu hiệu đau nhức, tê cứng khớp nên chườm ấm xung quanh vùng đau bằng dầu nóng hoặc túi chườm giúp các mạch máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, không nên chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang bị viêm cấp (biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau)… có thể làm tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân hay béo phì cần phải thay đổi lối sống, thực hành chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, bổ sung rau củ quả vào chế độ ăn hàng ngày...
Nên hạn chế các loại thực phẩm gây viêm có thể tác động tới bệnh xương khớp như: thịt đỏ, các chất kích thích như rượu và đồ uống có cồn, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, các món quá mặn hoặc quá chua,…
Các món ăn quá mặn khiến các tế bào khớp tích trữ muối urat, làm tăng nguy cơ bệnh gout, khiến khớp sưng đau. Tốt nhất là thêm muối vào thức ăn của bạn với số lượng ít nhất có thể.
Thực phẩm bạn ăn hàng ngày quyết định rất nhiều trong việc làm bùng phát các cơn đau hay giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị xương khớp.
Theo TS. Lê Thị Thùy Dung, cần hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể ở mức 3-5g/ ngày (khoảng 1 thìa cà phê) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cách phòng tránh việc ăn quá nhiều muối bao gồm: Cho bớt muối khi chế biến thực phẩm, chấm nhẹ tay, pha loãng nước mắm chấm trước khi ăn, hạn chế ăn các đồ ăn đóng hộp có hàm lượng muối cao như dưa cà muối, kim chi, lưu tâm đến hàm lượng muối ghi trên bao bì sản phẩm/thực phẩm đóng gói trước khi mua từ đó có thể tạo thành thói quen hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể, giảm nguy cơ loãng xương.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.