10/11/2023 16:19
Chiều 09/11, tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS (ngày 01/12), ông Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, số người nhiễm HIV gần 250.000 người.
Số ca bệnh quản lý trên hệ thống là 321.000 người. Từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1990 đến nay, số người tử vong do HIV là 113.698 người.
Theo ông Đức, số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 tới năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỉ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại. 9 tháng năm 2023, cả nước có 10.219 ca mới được phát hiện và 1.126 người tử vong. Trong số này hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Hiện số người nhiễm HIV là nam giới chiếm đến 84,4%.
Những năm qua, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tiếp tục tăng, hiện chiếm tới 80% số ca nhiễm mới. Đáng báo động, tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng, 50% ở nhóm tuổi 16 - 29 và tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Kết quả một chương trình giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 13,3%. Điều này có nghĩa là cứ 100 MSM có hành vi nguy cơ thì có hơn 13 người nhiễm HIV.
Ông Bùi Hoàng Đức cho biết thêm, kỳ vọng Việt Nam chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 là khó thực hiện. Thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp rất khó vì sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.
Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền virus HIV) và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM.
Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.
Ông Eric Dzuiban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ tại Việt Nam đánh giá, kể từ khi ca HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1990 cho đến khi lần đầu tiên người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus năm 1997, đến nay, đã có nhiều tiến bộ khoa học về điều trị HIV.
Nhiễm HIV từng bị coi là bản án tử hình, nhưng giờ đây, đã có thể coi là một bệnh mãn tính, cho phép người nhiễm có thể sống trọn vẹn, hạnh phúc nếu tham gia điều trị an toàn.
Đại diện CDC Mỹ cho rằng, cộng đồng cần tiếp tục thay đổi nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS, bởi nếu tiếp tục phân biệt đối xử kỳ thị đối với người nhiễm HIV sẽ là rào cản đối với mục tiêu hướng tới chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.
Cũng theo nhận định của ông Eric Dzuiban, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong đáp ứng y tế công cộng. Các bài học của Việt Nam đã và đang được các nước khác học hỏi để triển khai. Tuy nhiên, có một vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý chính là giám sát, triển khai các đáp ứng y tế công cộng với bệnh đậu mùa khỉ (MPOX).
“Việt Nam cần nhớ lại bài học ban đầu ứng phó với HIV để bảo đảm công tác ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ cũng dựa trên thực tế và khoa học. Đặc biệt, truyền thông cần thận trọng trong đưa tin về ca bệnh, không làm tăng sự kỳ thị của cộng đồng với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới”, ông Eric nói.
Với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023”, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 sẽ có nhiều chuỗi hoạt động để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về HIV/AIDS.
|
Theo dangcongsan.vn
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.