21/03/2024 13:42
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày rất đa dạng, thường gặp nhất là các yếu tố sau:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Do lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê; Ăn đồ quá cay nóng, chiên xào; Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ…
- Sinh hoạt không điều độ: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya… cũng có thể gây nên tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Lạm dụng quá nhiều thuốc: Lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc nhiễm kim loại nặng khiến niêm mạc dạ dày, tá tràng tổn thương và dẫn đến tình trạng loét dạ dày - tá tràng.
- Nhiễm vi khuẩn H.P: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày.
Một số nguyên nhân khác như stress, căng thẳng, lo lắng kéo dài cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây viêm loét dạ dày.
Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Cơn đau xảy ra ngay sau khi ăn. Cơn đau thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng do dạ dày vẫn co bóp, bài tiết dịch vị khi thức ăn đã được tiêu hóa hết gây kích thích niêm mạc dạ dày.
- Ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác chướng căng tức bụng vùng trên rốn khiến bệnh nhân không có cảm giác thèm ăn, mệt mỏi. Tiết nhiều nước bọt, ợ nóng, khó chịu vùng ngực, sau xương ức.
- Buồn nôn, nôn: Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn. Sau khi nôn bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn nếu ổ loét gây hẹp môn vị (hẹp đường xuống, làm thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày). Có thể gặp nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen (như bã cà phê) do chảy máu ổ loét.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, Xquang để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, người bệnh cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Cần dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của acid tiết ra lên niêm mạc dạ dày để tránh tái phát hoặc gây loét dạ dày. Cụ thể:
- Không ăn thức ăn có nhiều vị chua, có nhiều gia vị như ớt, tỏi, hạt tiêu…
- Không ăn những món ăn gây khó tiêu nhiều chất béo như chiên, xào, nướng.
- Không ăn thức ăn cứng như ngũ cốc thô, các loại hạt, măng khô, thức ăn nhiều xương…
- Không ăn thức ăn lạnh, thức ăn để lâu bị ôi thiu, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh…
- Các loại thức ăn chế biến sẵn như thịt nguội, giăm bông, lạp sườn, xúc xích… cũng không nên dùng.
- Không uống rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước giải khát có gas.
Ngoài ra cần lưu ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh lo âu, căng thẳng…
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.