02/12/2022 14:45
Xu hướng trẻ hóa
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tích lũy đến nay, Việt Nam có khoảng 220.580 ca nhiễm HIV và đã có 112.368 ca tử vong do nhiễm HIV/AIDS. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện khoảng 9.025 ca nhiễm HIV mới.
ThS. BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định: “Xu hướng nhiễm HIV của Việt Nam đang trẻ hóa rất nhanh. Nếu giai đoạn năm 2012- 2013, tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi chỉ dưới 5% thì đến năm 2022, con số này tăng lên hơn 50%”.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới). Trong chương trình giám sát trọng điểm gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM là 13,3%. Đường lây của HIV chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn; tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính (hiện là trên 80%).
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nhận định: “Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang diễn biến theo một xu hướng mới. Nếu trước đây khi nói đến nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam, chúng ta nghĩ đến nhóm người nghiện chích ma túy hay phụ nữ mại dâm; thì hiện nay, qua phân tích sâu những số liệu khoa học của người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo hằng năm cho thấy, tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, chủ yếu là những người quan hệ đồng giới nam có xu hướng tăng. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ là điều đáng lo ngại. Vì vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay tập trung nhiều hơn vào nhóm thanh niên. Đây là nhóm người cần có được sự quan tâm đầy đủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở cấp trung học và cả khi rời ghế nhà trường tiếp cận đến các môi trường mới để có kiến thức, biết được các biện pháp dự phòng tốt cho bản thân”.
Theo đó, thời gian qua, các hoạt động giám sát, phát hiện ca bệnh, dự phòng lây nhiễm đã được triển khai tích cực nhằm kiểm soát dịch HIV/AIDS.
Hiện, các dịch vụ xét nghiệm HIV đã được mở rộng, đa dạng các hình thức. Nhờ đó, năm 2022, đã phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: Xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4…
Cùng với đó, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông cho giới trẻ được triển khai đa dạng, hiệu quả thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện…
Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cũng được tiếp tục duy trì và đổi mới. Hiện có hơn 51.000 bệnh nhân đang điều trị thường xuyên; đã có 6 tỉnh với khoảng 2.857 bệnh nhân được cấp phát Methadone mang về.
Đặc biệt, việc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được triển khai với tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam có hơn 60.000 người sử dụng PrEP và tỷ lệ duy trì điều trị cao tới trên 72%.
Về công tác điều trị, hiện cả nước có 499 cơ sở điều trị người bệnh HIV/AIDS; trong đó 362 cơ sở đang điều trị ARV được bảo hiểm y tế chi trả. Các dịch vụ phòng, chống HIV cũng được triển khai trong các trại giam, trại tạm giam dưới các hình thức như: Tổ chức xét nghiệm tại trại giam; cấp phát thuốc ARV cho các bệnh nhân trong khu vực này.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Theo các chuyên gia, tuy dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm số mắc, nhưng lại diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (nhóm MSM, nghiện chích ma túy). Việt Nam vẫn còn ở xa so với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 khi vẫn phát hiện mới khoảng 10.000 người nhiễm HIV mỗi năm (để thực hiện được mục tiêu phải đạt dưới 1000 người nhiễm/năm).
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng chống dịch HIV/AIDS. Cụ thể số ca mắc đang tăng nhanh nhóm thanh, thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ đồng tính nhưng các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn; quần thể này cũng ở dạng ẩn, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, còn một số địa phương chưa phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều vướng mắc nên xảy ra thiếu thuốc cục bộ và một số địa phương không có sinh phẩm để xét nghiệm. Tình trạng nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng, chưa có thuốc điều trị nghiện cũng như hướng dẫn chi trả cho xác định tình trạng nghiện.
Đặc biệt, việc đảm bảo nguồn lực tài chính, chuyển giao bền vững chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn; nguồn lực huy động dự kiến thời giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60- 70% nhu cầu. Đến nay, vẫn còn tới 12 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch tài chính cho Chương trình này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để đạt được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, việc đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động là rất quan trọng. Với các địa phương chưa phê duyệt kế hoạch hoặc đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các địa phương đã có đề án đảm bảo tài chính cần bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch và có hướng dẫn cũng như phê duyệt các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, các đơn vị liên quan cần hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế được liên tục và ổn định, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các Vụ, cục có liên quan trong Bộ Y tế trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức cộng đồng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh việc đảm bảo tài chính, nâng cao công tác phòng và điều trị HIV, các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS tại các trường phổ thông, đại học hiện nay. Cần coi công tác truyền thông nâng cao nhận thức về HIV của thanh, thiếu niên là vấn đề cốt lõi và đổi mới phương thức truyền thông cho phù hợp với từng đối tượng. Bởi sự gia tăng số ca nhiễm mới trong giới trẻ không chỉ dừng lại ở việc tác động đến sức khỏe, nòi giống, chất lượng dân số mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh chính trị của quốc gia.
Theo Báo Tin tức
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.