09/09/2024 14:13
1. Sử dụng cà phê thường xuyên giúp duy trì khối lượng cơ như thế nào?
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa việc tiêu thụ cà phê và khối lượng cơ xương. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 2.000 người lớn tuổi từ 40-87 tuổi và phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ nhiều cà phê hơn có tỷ lệ khối lượng cơ thấp thấp hơn.
Điều thú vị là mối quan hệ này rõ rệt nhất ở những người uống hai hoặc nhiều hơn hai tách cà phê mỗi ngày. So với những người uống ít hơn một tách mỗi tuần, những người uống cà phê thường xuyên có tỷ lệ mắc khối lượng cơ thấp ít hơn đáng kể.
Mặc dù cơ chế chính xác đằng sau tác dụng bảo vệ cơ tiềm tàng của cà phê vẫn chưa được hiểu đầy đủ nhưng một số giả thuyết đã được đưa ra bao gồm:
Tác dụng chống viêm và chống oxy hóa: Cà phê chứa nhiều hợp chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, giúp bảo vệ mô cơ khỏi bị tổn thương.
Kích hoạt tế bào vệ tinh: Một số nghiên cứu cho thấy, uống cà phê có thể làm tăng số lượng tế bào vệ tinh, rất quan trọng cho quá trình tái tạo và phát triển cơ.
Ảnh hưởng của hormone: Việc tiêu thụ cà phê có ảnh hưởng đến các hormone liên quan đến quá trình trao đổi chất của cơ, có khả năng thúc đẩy việc bảo tồn cơ bắp.
Mặc dù caffeine thường là điểm nhấn khi nói đến lợi ích sức khỏe của cà phê nhưng điều quan trọng cần lưu ý là cà phê còn chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học khác góp phần tạo nên tác dụng của nó đối với sức khỏe cơ bắp. Một hợp chất như vậy là trigonelline được phát hiện có khả năng cải thiện hoạt động của ty thể trong tế bào cơ. Sự cải thiện trong quá trình sản xuất năng lượng tế bào này có khả năng giúp duy trì chức năng và khối lượng cơ khi chúng ta già đi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và khối lượng cơ chủ yếu là quan sát, nghĩa là chúng không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp. Ngoài ra, mối liên hệ giữa lượng cà phê tiêu thụ và khối lượng cơ dường như ít rõ rệt hơn ở những cá nhân có BMI cao hơn.
Cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và sức khỏe cơ bắp, có khả năng mở ra hướng đi mới giúp hỗ trợ ngăn ngừa, kiểm soát tình trạng mất cơ do tuổi tác.
2. Có nên uống nhiều cà phê hơn không?
Mặc dù cà phê có thể mang lại một số lợi ích và bằng chứng phát hiện mới này là rất hứa hẹn nhưng nó không phải là giải pháp kỳ diệu để duy trì khối lượng cơ. Chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và lối sống lành mạnh nói chung vẫn là nền tảng của sức khỏe cơ bắp trong suốt cuộc đời.
Cho dù chúng ta lựa chọn bất kỳ chế độ ăn uống nào, điều quan trọng là phải điều độ. Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến tác dụng phụ tiêu cực và khả năng dung nạp của mỗi người là khác nhau.
Theo BSCKI. Trần Thị Hiếu, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, BVĐK khu vực Thủ Đức, TP.HCM, sử dụng caffeine với lượng vừa phải có thể tăng cường năng lượng, trí nhớ và hiệu suất tập luyện. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc không đúng cách có thể gây nhiều tác động không tốt như: lo lắng, bồn chồn, mất ngủ…
Sử dụng caffeine liên quan đến việc tăng huyết áp nhẹ và tạm thời, nhất là ở những người không thường tiêu thụ caffeine hoặc cơ thể họ không quen với nó. Đối với phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp, tim đập nhanh, mất ngủ… không nên uống cà phê.
Tiêu thụ với số lượng lớn, caffeine dễ gây ra một số tác động tiêu cực bao gồm mất ngủ, lo lắng, đau đầu và bồn chồn. Ngoài ra, cà phê chỉ rất ít calo khi là cà phê đen không đường, trong khi các loại đồ uống phổ biến chứa caffeine trên thị trường thường chứa nhiều đường và chất béo bổ sung, không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều.
Liều lượng sử dụng caffeine an toàn đối với người trưởng thành được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine, tương đương 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Trong trường hợp gặp các triệu chứng bất lợi thì nên ngừng hoặc giảm lượng tiêu thụ. |
Theo Sức khỏe và Đời sống
Các cặp đôi sàng lọc tan máu bẩm sinh, máu khó đông, loạn dưỡng cơ Duchenne trước khi kết hôn có thể phòng tránh bệnh di truyền trong quá trình mang thai.