02/05/2024 10:23
Theo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, đột quỵ do nắng nóng là tình trạng đột quỵ xảy ra khi nắng nóng thúc đẩy các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Trong đó, nắng nóng gây đột quỵ hoặc sốc nhiệt, hai tình trạng này có các dấu hiệu tương tự nhau.
Nhiều người có thể nhầm lẫn, chủ quan khi bị đột quỵ và bỏ qua thời gian “vàng” cấp cứu đột quỵ (3 - 4,5 giờ đầu, có thể mở rộng lên 24 giờ hoặc hơn tùy trường hợp, thể loại đột quỵ và phương pháp kỹ thuật cấp cứu).
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng. Tuy nhiên, nguy cơ này thường gia tăng ở những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, rung nhĩ, béo phì…
Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đột quỵ não khi trời nắng nóng kéo dài, ThS.BS Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc chia sẻ, một số cách phòng tránh nắng nóng đột quỵ hiệu quả như sau:
Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ
Khám sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát đột quỵ định kỳ là điều cần thiết giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ, từ đó có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.
Mục tiêu của việc tầm soát đột quỵ là dựa vào công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại để phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn đột quỵ như hẹp, tắc nghẽn mạch máu, phình, vỡ hay dị dạng mạch máu não và những bệnh lý nền khác có liên quan.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
- Uống đủ nước: Cơ thể cần được cung cấp từ 2 lít nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng mất nước, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông. Lưu ý rằng, nên dàn trải lượng nước uống trong 1 ngày và không nên uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.
- Ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất: Ưu tiên bổ sung các loại rau củ quả, thực phẩm giàu chất béo tốt. Một số thực phẩm giàu chất béo tốt điển hình như quả bơ, các loại hạt, cá béo, quả oliu… có tác động làm giảm cholesterol giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp. Từ đó góp phần giảm nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.
Khi thời tiết oi bức nên ưu tiên dùng thực phẩm giải nhiệt, uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng… để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do nắng nóng
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt
Hạn chế để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ giúp giảm nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng.
Nếu buộc phải ra hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian này, bạn nên mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành. Đặc biệt, đối tượng có sức khỏe kém, người từng bị đột quỵ hoặc đang mắc các bệnh lý tiềm ẩn đột quỵ (bệnh tim, tiểu đường, tăng huyết áp…) cần được ưu tiên làm việc và sinh hoạt trong môi trường râm mát, tránh ánh nắng gay gắt.
Bác sĩ khuyến cáo, cần tránh từ ngoài nắng đi vào phòng lạnh đột ngột vì có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ. Nên dùng điều hòa ở nhiệt độ an toàn từ 26 đến 28 độ C.
Rèn luyện thể chất
Mỗi người cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, từ đó góp phần bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ đột quỵ do nắng nóng. Đặc biệt, trong thời gian nắng nóng, cần ưu tiên các bộ môn tập luyện trong nhà và hạn chế các loại hình vận động ngoài trời.
Theo daibieunhandan.vn
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.