26/09/2024 13:56
Bác sĩ Chuyên khoa II Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh trình bày nội dung điều trị ARV là dự phòng (K=K, PreP), hướng tới kết thúc dịch AIDS.
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh; Ban lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh; Thạc sĩ Trần Minh Thu, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Dương, đại diện Dự án EPIC; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, các bác sĩ điều trị, chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, học sinh, sinh viên tham dự sự kiện.
Tại Trà Vinh, tính từ tháng 4/1993 đến tháng 8/2024, có 2.871 người nhiễm HIV, trong đó, 1.244 người tử vong, 1.627 người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống; 1.410 người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, trong đó 1.330 bệnh nhân được điều trị ARV. Người nhiễm mới HIV nam nhiều hơn nữ (chiếm 86%), tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 20 - 29 (chiếm 46%), các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu là lây truyền qua đường tình dục (chiếm 97%), trong đó nhóm quan hệ tình dục với nam đồng giới chiếm 87%. Trước tình hình trên, việc tổ chức sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng” có ý nghĩa thiết thực, giúp ngành y tế tỉnh Trà Vinh đẩy nhanh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch AIDS.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đời phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đời cho biết: Việt Nam là nước thứ 03 trên thế giới thực hiện chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), và là nước đầu tiên ở châu Á tiên phong trong chiến dịch này. Đồng thời, là quốc gia tiên phong ban hành hướng dẫn truyền thông về K=K nhằm khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng vi-rút (những người có HIV) và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), giúp có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV, hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đời nhấn mạnh, một trong những khó khăn rất lớn hiện nay là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm, đây là rào cản làm những người nhiễm HIV, những người trong nhóm nguy cơ cao, lẩn tránh không đến tiếp cận xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm, cũng như không điều trị ARV để có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện, từ đó trở thành nguồn lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng, làm dịch lây lan và làm tăng tỷ lệ người nhiễm mới HIV.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đời và đại biểu ký tên vào tranh hưởng ứng sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng”.
Thay mặt ngành y tế tỉnh, Bác sĩ Nguyễn Văn Đời kêu gọi cộng đồng, nhất là những người nhiễm HIV và nhóm người có hành vi nguy cơ cao chung tay hành động thực hiện mục tiêu 95 - 95 - 95 (95% người nhiễm HIV biết mình bị nhiễm, 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 95% người được điều trị ARV đạt tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế). Đồng thời, chung tay tuyên truyền, quảng bá thông điệp K=K và PrEp đến với cộng đồng và nhất là đối với người nhiễm HIV và nhóm người có hành vi nguy cơ cao, mọi người không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Chúng ta hãy có cách nhìn mới về HIV/AIDS, xem HIV/AIDS là một bệnh mãn tính thông thường như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp… cần được điều trị suốt đời, để góp phần vào việc khống chế, kiểm soát và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh ký tên vào tranh hưởng ứng sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng”.
Sở Y tế đề cập các thông điệp giúp mọi người có cái nhìn mới về HIV/AIDS, gồm: điều trị bằng thuốc ARV sớm là cơ hội sống cho bệnh nhân AIDS, người đã được chẩn đoán nhiễm HIV, sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong liên quan tới HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cải thiện chất lượng sống cho người nhiễm HIV.
Ngoài ra, người nhiễm HIV được điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. “Điều trị ARV là dự phòng” bao gồm 02 nội dung K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) và PrEp (Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm).
Thạc sĩ Trần Minh Thu, đại diện Dự án EPIC phát biểu tại sự kiến.
Thạc sĩ Trần Minh Thu nhấn mạnh, sự kiện “Điều trị ARV là dự phòng” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, người nhiễm HIV và người cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về nội dung và ý nghĩa về tầm quan trọng của việc “Điều trị ARV là dự phòng” (K=K, PrEp). Từ đó làm thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh nan y đáng sợ mà HIV/AIDS chỉ là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.
Với thông điệp K=K, những người nhiễm HIV khi tải lượng vi-rút đạt dưới ngưỡng phát hiện có thể có đời sống tình dục lành mạnh, giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với nguời nhiễm HIV, giúp họ có đời sống bình thường, có đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh, sự kiến tạo điều kiện cho hoạt động truyền thông “Điều trị ARV là dự phòng” ngày càng lan rộng, đi sâu vào cộng đồng, hướng tới sự thay đổi về nhận thức, thái độ và thực hành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Tin, ảnh: NGỌC XOÀN
Các cặp đôi sàng lọc tan máu bẩm sinh, máu khó đông, loạn dưỡng cơ Duchenne trước khi kết hôn có thể phòng tránh bệnh di truyền trong quá trình mang thai.