11/09/2024 08:46
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh), từ đầu năm 2024 đến ngày 08/9, toàn tỉnh có 425 ca sốt xuất huyết (SXH) Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2023 (596 ca), xuất hiện 147 ổ dịch SXH, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023 (207 ổ dịch). Hầu hết các địa phương đều giảm, riêng huyện Càng Long tăng đột biến với 166 ca, 62 ổ dịch.
Theo ông Mai Chí Thông, chuyên viên phụ trách công tác phòng, chống SXH (Trung tâm Y tế huyện Càng Long), số ca bệnh và ổ dịch SXH xuất hiện nhiều nhất tại thị trấn Càng Long (22 ca), An Trường (09 ca), xã Bình Phú (08 ca), xã Mỹ Cẩm (07 ca).
Phun hóa chất xử lý ổ dịch SXH tại thị trấn Càng Long.
Khi phát hiện ca mắc bệnh SXH, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với địa phương xử lý dập dịch trên diện rộng từ Khóm 1 đến Khóm 7. Trong đó, Khóm 1, Khóm 4, Khóm 5, Khóm 6, Khóm 7 do số ổ dịch xuất hiện nhiều nên được chỉ định diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch diện rộng toàn khóm. Công tác phòng, chống SXH tại địa phương được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ trong thực hiện kiểm soát, phun hóa chất diệt muỗi… hiện số ca mắc tại Khóm 5 và Khóm 7 đã giảm, chỉ xuất hiện 01 ca trong 14 ngày gần đây.
Người dân thị trấn Càng Long xem tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH.
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh SXH, UBND huyện Càng Long đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống, không để dịch bệnh SXH bùng phát trên địa bàn huyện. Trong đó, các cơ sở tế tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Đặc biệt, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng.
Song song đó, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh SXH, nhất là tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh xã và phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân để mọi người dân chủ động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đậy kín các dụng cụ chứa nước hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng hạn chế muỗi đẻ trứng (Trong ảnh: Soi đèn tìm lăng quăng, hạn chế muỗi phát sinh, phòng bệnh SXH tại thị trấn Càng Long).
Tại huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay xuất hiện 18 ổ dịch, 61 ca bệnh, đứng thứ 03 trong tỉnh sau huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh. Bác sĩ Sơn Ngọc Thạch, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Châu Thành) cho biết: so với năm 2023, tình hình SXH trên địa bàn huyện giảm; nếu so sánh số liệu đến ngày 31/8, Châu Thành có 16 ổ dịch, 48 ca bệnh, giảm 11 ổ dịch và 44 ca bệnh so với năm 2023.
Ngay từ đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo trạm y tế các địa phương đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, nhất là tuyên truyền người dân diệt lăng quăng phòng bệnh. Hòa Lợi là địa phương xuất hiện SXH nhiều nhất trong huyện với 05 ổ dịch nhỏ, 10 ca bệnh nhưng 02 tuần gần đây, xã Hòa Lợi không xuất hiện ca mắc mới, các xã, thị trấn còn lại từ 02 - 03 ca bệnh.
Được biết, năm 2022, Châu Thành là huyện có số ca mắc SXH tăng cao, được tỉnh chọn làm điểm tổ chức mít-tinh phát động Chiến dịch người dân diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh SXH và triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại xã Đa Lộc. Nhờ đó, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch SXH nâng lên, 02 năm gần đây số ca mắc SXH tại huyện Châu Thành giảm, nhất là xã Đa Lộc, từ đầu năm 2024 đến nay chỉ xuất hiện 01 ổ dịch, 02 ca mắc SXH.
Bác sĩ Sơn Ngọc Thạch cho biết thêm, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được các cấp quan tâm, hàng năm, huyện đều được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ đầy đủ, kịp thời hóa chất, máy phun trong thực hiện phòng, chống SXH. Chính quyền địa phương, Ban Nhân dân và đoàn thể các ấp chung tay tuyên truyền cùng phòng, chống SXH. Khi có tờ rơi, triển khai cấp phát cho người dân, phối hợp với tuyên truyền miệng, giúp người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh SHX, nhất là chủ động diệt lăng quăng, ngủ mùng, thực hiện vệ sinh môi trường.
Bà Thạch Thị Siêng, người dân ấp Thanh Trì A, xã Đa Lộc chia sẻ, những lần đến trạm y tế khám bệnh tôi đều được bác sĩ nhắc thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà, không để nước đọng sinh lăng quăng, sinh muỗi gây bệnh SXH...
Phun hóa chất xử lý ổ dịch SXH tại huyện Cầu Ngang.
Tại huyện Cầu Ngang, với 21 ổ dịch, 34 ca bệnh, đứng thứ 04 trong tỉnh, giảm so cùng kỳ năm 2023. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Cầu Ngang), công tác tuyên truyền, chủ động phòng, chống dịch SXH được địa phương chủ động thực hiện ngay từ đầu năm. Đầu tháng 5/2024, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống SXH. Tuy có xuất hiện ca bệnh nhưng đều được kiểm soát kịp thời và xử lý sớm ổ dịch nhỏ, không để phát sinh, lan rộng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện xử lý triệt để các ổ dịch trong cộng đồng, không để bùng phát dịch, thực hiện kế hoạch phòng dịch SXH phù hợp. Đồng thời, các cơ sở y tế và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch SXH, nhất là quan tâm vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng…
Người dân huyện Cầu Ngang xem tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH.
Theo Bác sĩ Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: trong kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh thì phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được Sở Y tế quan tâm, bởi SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin để phòng ngừa.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để khi có ổ dịch SXH xảy ra. Khi xác định có khu vực nguy cơ cao sẽ tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động để phòng, chống SXH, dập ổ dịch nhỏ để kiểm soát bệnh SXH. Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trong cộng đồng để người dân nhận thức phòng bệnh, trong đó lưu ý diệt lăng quăng là biện pháp đầu tiên và hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch SXH.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN, HOÀNG VŨ
Các cặp đôi sàng lọc tan máu bẩm sinh, máu khó đông, loạn dưỡng cơ Duchenne trước khi kết hôn có thể phòng tránh bệnh di truyền trong quá trình mang thai.