14/03/2023 09:33
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.
Mục tiêu của Tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm giao các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Định, Quảng Ngãi, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang.
Bên cạnh 6 đoàn liên ngành trung ương, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cũng yêu cầu công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Cùng với đó, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.