01/08/2020 14:17
Bà Trần Thị Hà (bên phải) tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Trà Vinh, trong 06 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố phát hiện mới 08 ca nhiễm HIV, lũy tích từ năm 1994 (năm đầu tiên phát hiện người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố) đến nay, thành phố có 450 người nhiễm HIV, trong đó, có 280 người chuyển sang AIDS, 159 người tử vong, 20 người điều trị nhiễm trùng cơ hội; có 121 người đang điều trị thuốc kháng vi-rút ARV (trong đó, có 02 trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV đang điều trị ARV). |
Ông Thạch Ngọc Phương Danh, cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Trà Vinh cho biết: công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan trên địa bàn. Hàng năm, Trung tâm Y tế thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, như: truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, can thiệp giảm thiểu tác hại, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc điều trị tiếp cận ARV, dự phòng lây truyền mẹ con, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tổ chức triển khai hoạt động khám sàng lọc lao/HIV cho người nhiễm HIV/AIDS nhằm giảm tình trạng đồng nhiễm lao/HIV. Trong đó, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền sinh động, dễ hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài truyền thanh ở các phường, truyền thông lưu động; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12).
Trong 15 năm qua, Trung tâm Y tế thành phố đã tập trung đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể và 10 phường, xã. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền tại địa bàn dân cư, vùng có đông đồng bào Khmer giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân có những chuyển biến về nhận thức, xác định rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, tránh lây lan ra cộng đồng, các ngành, đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn với phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, xây dựng xã, phường đạt xã an toàn an ninh, trật tự.
Để công tác tuyên truyền được lan rộng trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Thành Đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong ĐVTN, học sinh hiểu biết về tác hại cũng như ý thức phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS lồng ghép với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS thành phố Trà Vinh đã tuyên truyền, vận động thành lập được 01 câu lạc bộ “Đồng đẳng giới”, với 25 thành viên.
Bà Trần Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đồng đẳng giới” (CLB) cho biết: CLB được thành lập từ năm 2007 đến nay, khi CLB mới đi vào hoạt động, việc tiếp cận, vận động những người nhiễm HIV/AIDS tham gia CLB rất khó khăn. Bởi, những người nhiễm HIV/AIDS còn mang nặng tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc. Song, sau khi hiểu được lợi ích tham gia CLB, thì chính họ lại là tuyên truyền viên tích cực, kêu gọi những người khác tham gia. Với họ, CLB chính là ngôi nhà chung của mình. Ở đây, họ có thể giãi bày những suy nghĩ, chính kiến cá nhân, đồng thời được quan tâm, ủng hộ tinh thần cũng như đời sống. Hiện nay, CLB sinh hoạt mỗi tháng 01 lần để tuyên truyền, khuyên nhủ và tư vấn kiến thức bảo vệ sức khỏe cũng như nhận được sự quan tâm, cảm thông từ cộng đồng.
Từ những hoạt động của CLB “Đồng đẳng giới”, cộng đồng xã hội đã có cái nhìn khác hơn trước đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Theo lời kể của bà Hà, được biết, ông N.C.T, ngụ Phường 5, từ một người tự ti, mặc cảm khi biết mình mắc bệnh HIV, nhờ được các thành viên trong CLB động viên, tuyên truyền, sự quan tâm của những người thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, giờ đây, ông N.C.T đã rũ bỏ mặc cảm, mạnh dạn xuất hiện trước cộng đồng, trở thành tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS.
Chị Huỳnh Bảo Ngân, ngụ Khóm 10, Phường 7 cho biết: trước đây, khi thấy người nhiễm HIV/AIDS tôi sợ đến nỗi không dám nhìn, cũng chẳng dám ngồi chung. Sau vài lần được tuyên truyền kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và được chứng kiến thành viên của CLB về địa phương làm chiến dịch truyền thông, tôi thấy họ thật gần gũi, đáng thương. Tôi rất cảm thông với hoàn cảnh của họ. Hiện giờ tôi là thành viên, tuyên truyền viên của CLB, chỉ mong góp một phần nhỏ của mình trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa căn bệnh này đến với cộng đồng.
Ông Tô Thái Điền, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Trà Vinh cho biết: đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố thời gian qua, công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả tích cực nhất từ việc nâng cao hiệu quả phòng, chống lây nhiễm đến việc giảm kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS. Thời gian tới, Trung tâm Y tế thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, khống chế tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tối đa các ảnh hưởng của HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố Trà Vinh.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.