08/11/2023 13:49
Người bệnh tăng huyết áp ngoài việc tuân thủ uống thuốc hạ áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, thay đổi lối sống cũng góp phần quan trọng giúp huyết áp ổn định, tránh được những biến chứng của bệnh.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm mà người bị tăng huyết áp nên tránh xa.
Muối là thủ phạm hàng đầu gây tăng huyết áp
Muối là thủ phạm hàng đầu gây tăng huyết áp và một số bệnh tim mạch. Khi hàm lượng natri trong chế độ ăn cao làm xáo trộn sự cân bằng ion của cơ thể. Điều này dẫn đến thận không thể lọc máu đúng cách vì máu có hàm lượng natri cao. Khi thận không sản xuất đủ nước tiểu, hàm lượng nước trong máu tăng lên làm tăng huyết áp. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng natri tiêu thụ hàng ngày đối với một người khỏe mạnh để không bị tăng huyết áp không được vượt quá 1.500mg, người bệnh tăng huyết áp cần tiêu thụ ít natri hơn.
Thịt chế biến chứa nhiều natri không tốt cho người tăng huyết áp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chế biến bao gồm jambon, xúc xích, thịt nguội... là thịt đã được biến đổi thông qua muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quá trình khác để tăng hương vị hoặc tăng thời hạn bảo quản. Tuy nhiên, những loại thịt này chứa một lượng lớn hàm lượng natri. Trung bình, natri trong thịt chế biến cao hơn khoảng 400% so với thịt chưa qua chế biến. Khi loại thịt nguội này được kết hợp với các nguyên liệu khác để làm bánh sandwich, hàm lượng natri sẽ đạt đến mức báo động. Do đó, người bị tăng huyết áp nên loại bỏ món thịt này khỏi thực đơn.
Nước sốt cà chua đóng hộp
Nước sốt làm sẵn cũng là một mối nguy tiềm ẩn đối với người tăng huyết áp vì chúng chứa rất nhiều natri. Muối được sử dụng làm chất bảo quản trong các loại nước sốt này và loại muối này gây rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể. Khi cân bằng điện giải bị rối loạn, thận cũng bị rối loạn và huyết áp tăng cao. Do đó, món mì ống yêu thích của bạn có thể gây tăng huyết áp do sử dụng nước sốt cà chua đóng hộp.
Dưa muối chua
Hàm lượng natri cực cao trong những món dưa chua làm trầm trọng thêm huyết áp và có thể biến một quả dưa chuột đơn giản thành một "quả bom" natri.
ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết: Để bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào bằng việc ngâm muối thì lượng muối trong đó cần ít nhất 5%. Nếu bạn ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa là bạn nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.
Rượu
Uống một lượng lớn rượu có thể làm tăng huyết áp tạm thời, nhưng lạm dụng rượu kéo dài sẽ gây ra bệnh tăng huyết áp cùng với các bệnh tim mạch khác. Uống nhiều rượu cũng gây béo phì, người béo phì dễ bị tăng huyết áp hơn. Vì vậy, nên hạn chế tiêu thụ rượu càng ít càng tốt.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, việc lạm dụng rượu bia vô cùng có hại cho sức khỏe. Đặc biệt có nguy cơ gây ra vỡ mạch máu ở người bệnh tăng huyết áp mà ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được.
Bánh ngọt, kẹo, đồ uống có ga
Các loại này rất giàu hàm lượng đường và loại đường này cũng khiến huyết áp tăng vọt. Hơn nữa, trong các lát bánh mì, bánh ngọt và bánh sừng bò cũng thường chứa một lượng muối, điều này làm tăng huyết áp do nồng độ natri trong máu tăng lên. Việc tiêu thụ bánh ngọt cũng làm tăng lượng đường trong máu, khiến tình trạng tăng huyết áp càng trầm trọng hơn.
Cà phê
Cà phê là một thức uống quen thuộc vào buổi sáng và là một sự thay thế tuyệt vời cho các loại nước tăng lực. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống giàu caffeine không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng huyết áp và điều này gây ra chứng hồi hộp ở tim.
Thịt đỏ
Lời khuyên dành cho người bị tăng huyết áp là tránh hoặc kiêng hoàn toàn thịt đỏ. Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt heme chính cho cơ thể. Chất sắt heme này liên quan trực tiếp đến mức huyết áp của cơ thể con người.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu bạn có một hoặc một vài trong số các yếu tố nguy cơ của bệnh tim như tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, béo phì, ít hoạt động thể chất và/hoặc đang ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh, bạn nên cảnh giác hơn với việc tiêu thụ thịt đỏ để kiểm soát huyết áp, tránh tăng huyết áp.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.