22/02/2022 16:14
Theo Công điện số 235/CĐ-BYT, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên toàn quốc, đến nay dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.
Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi Phường 2, thành phố Trà Vinh. Ảnh: KL
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19) điện và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp PCD Covid-19, cụ thể như sau:
1. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động PCD Covid-19. UBND các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ “về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT, ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân bảo đảm khoa học, thống nhất trong công tác PCD gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô-xy y tế tại các cơ sở điều trị.
Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.
3. Tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
4. Triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
5. Bảo đảm an toàn PCD Covid-19 trong trường học. Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn PCD, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.
6. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động PCD của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong PCD.
Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
7. Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác PCD trong trường học. Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các Trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, PCD Covid-19 về Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra công tác PCD tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Xử lý nghiêm các vi phạm về PCD Covid-19.
Nguồn nhandan.vn
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.