28/06/2023 08:10
Hiện nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong cao do sự gia tăng bệnh không lây nhiễm. Sức khỏe cộng đồng ngày càng bị đe dọa do tỉ lệ mắc ngày càng cao với nhiều hậu quả, di chứng nặng nề.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sau đại dịch COVID-19, các quốc gia sẽ phải tiếp tục đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm.
Tại Việt Nam, báo cáo của các bệnh viện cho thấy có tới 65-75% người bệnh điều trị nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm.
Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch luôn trong tình trạng quá tải. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn. Số bệnh nhân tăng huyết áp cũng chiếm 25% số người hơn 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng.
Điều đáng lo ngại, theo ông Lương Ngọc Khuê, đó là chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được phát hiện sớm và điều trị.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều rượu bia và tỉ lệ người hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch…
Để hạn chế thấp nhất các bệnh không lây nhiễm, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại thuốc lá, bia rượu; tổ chức các chương trình sàng lọc sớm ung thư, phát triển hệ thống bệnh viện điều trị, đồng thời chú trọng đến vấn đề đào tạo nhân lực.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết Hội thảo khoa học quốc tế lần này có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ về thực trạng, thách thức cũng như đưa ra chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỉ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.