21/09/2023 16:02
Hội nghị nhằm cung cấp cho phóng viên những thông tin hữu ích về tổng quan Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại Việt Nam; về các hoạt động của “Tuần lễ làm mẹ an toàn” của trung ương và địa phương; đồng thời trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta thời gian qua.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đăng Khoa cho biết: Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ ở Việt Nam được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95 -97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ duy trì từ 75 - 80%...
Đáng chú ý, theo ước tính của các tổ chức Liên hợp quốc, tỷ suất tử vong sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam đã giảm, năm 2021 ở mức 9,96‰; chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9‰; dưới 1 tuổi là 12,1‰.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao so với một số nước cùng mức thu nhập như Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 08‰. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức từ 01 - 02‰.
Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 02 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh (tương ứng với 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đăng Khoa cho biết thêm: Trong “Tuần lễ Làm mẹ an toàn”, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, cho ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.
Thời gian tổ chức “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” từ ngày 01 - 07/10 và được triển khai tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Ngọc Quang, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, với khoảng 14 triệu người chiếm 14,7% dân số cả nước.
Người dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng tại 51 tỉnh, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Đa số đồng bào sinh sống tại các miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tại các vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các chỉ số dân số, tuổi thọ thấp hơn bình quân cả nước, sự chênh lệch này một phần do điều kiện đời sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.
Do vậy, để cải thiện tình hình sức khỏe người dân tộc thiểu số theo định hướng của Nghị quyết 21 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ -TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại Việt Nam; một số kết quả bước đầu đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại một số địa phương; giới thiệu Mô hình Truyền thông sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại cộng đồng…
Theo nhandan.vn
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.