25/03/2022 16:50
PGS.TS.Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại chương trình
Tại lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3) do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (theo báo cáo năm 2020 của WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc. Đáng chú ý là 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm.
Covid-19 và lao là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay.
Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết, không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.
Hằng năm, ở nước ta phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao
Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc.
Theo báo cáo của WHO, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.
Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.
Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao (tăng từ 1,2 triệu vào năm 2019) và có 214.000 ca tử vong ở những người dương tính với HIV. Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao và lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỉ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.
Chính vì vậy, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives". Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết là đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.
Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân
Tại Việt Nam, ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Ủy ban này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình chống lao quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… Mục tiêu của những chương trình này là đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ, trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình chống lao quốc gia đặt mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao.
Hội Phổi Việt Nam đã thành lập chi hội phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên toàn quốc.
Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.
Nguồn báo điện tử Chính phủ
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.