13/08/2023 04:53
1. Bổ sung vitamin D giúp ngăn ngừa đau tim ở người lớn tuổi
Tuổi tác có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là tim. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim càng cao.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết: Nhồi máu cơ tim đã trở thành căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện trên toàn quốc. Đây là bệnh lý cấp cứu, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo chuyên gia tim mạch đầu ngành PGS. Phạm Mạnh Hùng, nhồi máu cơ tim cấp được định nghĩa là hoại tử cơ tim, bệnh xảy ra do mạch máu bị tắc hẹp ở tim đột ngột một hoặc nhiều nhánh động mạch vành nuôi tim gây thiếu máu cơ tim cục bộ gây tổn thương cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực.
Theo các chuyên gia, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim và ngày càng trẻ hóa. Ngoài việc áp dụng một lối sống tốt hơn, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Lâm sàng Queensland (Australia) đã có nghiên cứu nêu bật những lợi ích của vitamin D, giúp thay đổi tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch lớn. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng việc bổ sung vitamin D thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên.
Trong vòng 5 năm (từ 2015 - 2020), hơn 21.000 người Australia từ 60 - 84 tuổi uống mỗi tháng một viên nang vitamin D3 60.000 IU hoặc một viên giả dược (10.653 tình nguyện viên). Các tác giả của cuộc khảo sát dài hạn này cũng đảm bảo rằng cả người tham gia và nhân viên đều không biết về sự phân bố của các nhóm nghiên cứu trong quá trình can thiệp.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng trong quá trình theo dõi, đã có 1.336 biến cố tim mạch nghiêm trọng. So với nhóm dùng giả dược, tỷ lệ các biến cố tim mạch lớn ở nhóm dùng vitamin D thấp hơn, đặc biệt là nhồi máu cơ tim (thấp hơn 19%) và tái thông mạch vành (điều trị để khôi phục lưu lượng máu bình thường đến tim - thấp hơn 11%).
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, sau 60 tuổi, những người dùng statin hoặc các loại thuốc khác để điều trị bệnh tim mạch nên bổ sung vitamin D để giảm thêm nguy cơ đau tim. Họ cũng đề nghị tiến hành các nghiên cứu sâu hơn ở những bệnh nhân này.
2. Vitamin D có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ hay không
Cũng trong nghiên cứu trên, cả hai nhóm không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tai biến mạch máu não (còn gọi đột quỵ) do tắc hoặc vỡ động mạch não. Tuy nhiên trước đó đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D có tầm quan trọng rất lớn đối với não bộ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học South Australia (Australia) đã tiến hành phân tích dữ liệu di truyền của 294.512 người từ Ngân hàng sinh học của Anh Biobank. Kết quả đã phát hiện ra rằng bổ sung vitamin D là cách hiệu quả để ngăn ngừa đột quỵ.
Một nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng đã khám phá ra mối liên quan giữa nguy cơ đột quỵ và thiếu vitamin D. Các nhà khoa học giải thích rằng vitamin D có tác dụng chống cục máu đông và bảo vệ thần kinh mạnh mẽ.
Giáo sư Elina Hyppönen, Giám đốc Trung tâm Y tế của Đại học South Australia cho biết: Vitamin D là một tiền chất hormone có nhiều tác dụng khác nhau đối với sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe não bộ và tim mạch. Tác dụng bảo vệ này có thể mạnh hơn ở những người dùng statin hoặc các loại thuốc điều trị tim mạch khác ban đầu.
3. Lưu ý khi bổ sung vitamin D cho người lớn tuổi
Tình trạng thiếu hụt vitamin D khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi. Nhu cầu khuyến nghị về vitamin D cho những người trong độ tuổi từ 1-70 là 600 đơn vị quốc tế (IU), với những người trên 70 tuổi có thể cần tới 800 IU vì họ dễ bị tổn thương hơn.
Nên cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng các loại thực phẩm cần thiết. Vitamin D có nhiều trong các loại thực phẩm như sữa, nấm, gan động vật, cá giàu chất béo, thịt đỏ, lòng đỏ trứng,...
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng. Nên tắm nắng khoảng 15-20 phút trước 8 giờ sáng cung cấp 90-95% vitamin D cho cơ thể. Mỗi ngày nên dành thời gian hoạt động ngoài trời ít nhất 30 phút để cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D cần thiết qua da.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là quá nhiều vitamin D cũng gây ra nhiều tác hại, như làm tăng canxi huyết và dẫn đến những tổn thương trong cơ thể. Những người không nhận đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống có thể không cung cấp đủ vitamin D thì cần phải uống bổ sung theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ sẽ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra giải pháp bổ sung vitamin D phù hợp.
Những nhóm người cần thận trọng khi bổ sung vitamin D bao gồm: người có vấn đề về thận như suy thận, sỏi thận, sỏi mật; người có phản ứng dị ứng với vitamin D hoặc gặp tác dụng phụ khi sử dụng vitamin D, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, hoặc chóng mặt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ hoặc bất thường nào sau khi bổ sung vitamin D, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.