25/09/2023 05:18
Bệnh nhân được xác định là anh L.V.T (sinh năm 1998, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Theo báo cáo điều tra dịch tễ, nam bệnh nhân làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, công việc hằng ngày phải đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người. Ngày 2/9, bệnh nhân về nhà tại xã Xuân Trường, có tiếp xúc gần với người nhà gồm bố, mẹ, bà nội và chị gái, sau đó quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc.
Ngày 16/9, bệnh nhân có tiếp xúc gần với bạn gái sinh năm 2001, trú tại thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đến ngày 17/9, bệnh nhân bắt đầu khởi phát bệnh và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục và đi khám, điều trị tại một phòng khám tư nhân nhưng bệnh không giảm. Đến ngày 22/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận hết sốt, còn ngứa, thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ ở vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục. Nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ, Bệnh viện Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhận định, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh, trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh.
Sau khi ghi nhận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng khác thường báo ngay cho y tế hoặc chính quyền địa phương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của trường hợp bệnh với đồng nghiệp, người thân xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 17/9 đến nay.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn… Bệnh có thể lây lan từ việc xử lý thịt rừng, vết cắn hoặc vết xước của động vật, chất tiết dịch cơ thể, vật nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh.
Theo TTXVN
Nhiều thói quen không tốt trong sinh hoạt cũng có thể trở thành yếu tố gây bệnh viêm mũi xoang. Theo đó, PGS.TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra một số thói quen xấu dẫn đến bệnh viêm mũi xoang như sau: