17/07/2021 12:23
Sức sống mới trên vùng đồng láng xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải.
Nhiễm phèn, ngập mặn, gò cao, đồi cát nắng nóng đến rát bỏng bàn chân… là điều kiện khó khăn trong sản xuất của những vùng đất một thời được ngành nông nghiệp tỉnh xếp vào diện “những vùng đất khó”. Thế nhưng, qua thời gian, bằng sự nỗ lực đầu tư, ứng dụng khoa học- kỹ thuật của ngành nông nghiệp, sự cần cù, chịu khó trong lao động của người dân đã bắt những vùng đất khó “trở mình” đem lại những mùa vụ sản xuất hiệu quả.
Có thể thấy qua thực hiện Nghị quyết số 26 và Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã tập trung khơi thông nguồn lực, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện và Nhân dân đối ứng đã tác động lớn đến quá trình XDNTM… qua đó, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn từng bước chuyển dịch dần theo hướng nâng cao về sản lượng và chất lượng sản phẩm không ngừng tăng hàng năm.
Trong những ngày cuối tháng 6/2021, chúng tôi có dịp về lại vùng đồng láng của xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, khu vực này có khoảng 850ha nằm ven tuyến vàm Láng Sắc đi qua địa bàn 02 xã Đôn Châu và Đôn Xuân. Từ những cánh đồng hoang sơ trước đây chưa được người dân khai thác, do kết cấu hạ tầng khu vực này chưa được đầu tư về điện, giao thông và hệ thống thủy lợi, nên người dân chủ yếu bỏ đất hoang, một số diện tích được người dân chủ động kéo điện phục vụ trong sinh hoạt gia đình ra ngoài đồng để nuôi thủy sản (nuôi tôm quảng canh) và phần lớn là khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên…
Bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: toàn xã có trên 75% đồng bào dân tộc Khmer, trước năm 2014, kết cấu hạ tầng của địa phương còn thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của xã (giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ…) và hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân trên 06 tỷ đồng. Riêng khu vực cánh đồng láng nằm trên địa bàn xã có diện tích khoảng 450ha thuộc các ấp Bà Nhì, La Bang Kinh và một phần La Bang Chợ, La Bang Chùa. Đây là vùng đất “03 không”, nhờ đầu tư từ các nguồn vốn của Nhà nước, đặc biệt là vốn Chương trình 135 của Chính phủ cho xã đặc biệt khó khăn, kết hợp với nguồn vốn XDNTM (từ năm 2018 đến nay)… đã làm chuyển biến tích cực cho vùng đồng láng.
Vùng đồng láng ở xã Đôn Châu hơn chục năm nay, người dân ở đây chỉ nuôi thủy sản (tôm sú) theo hình thức quảng canh (thả lan); nên hiệu quả rất bấp bênh, do vùng nền ao đất cũng như nguồn nước bị ô nhiễm, tôm nuôi thường xảy ra dịch bệnh cùng với đó hạ tầng ở khu vực này chưa được đầu tư về điện, giao thông, thủy lợi.
Nông dân Nguyễn Văn Khởi, ấp La Bang Kinh, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: để tìm hướng đi mới cho người dân vùng đồng láng (nơi có trên 40% đồng bào Khmer tham gia nuôi thủy sản) trước tình hình biến đổi khí hậu, từ năm 2017 đến nay, địa phương đã đầu tư hạ tầng giao thông và điện lưới quốc gia được kéo gần phủ khắp vùng đồng láng, tạo điều kiện cho phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp và siêu thâm canh. Địa phương cũng khuyến khích người dân mở rộng các đối tượng nuôi mới như cua biển xen trong ao tôm; vọp ven các bãi bồi. Riêng các hộ có điều kiện sẽ chuyển sang nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, siêu thâm canh nhằm chủ động quản lý môi trường, nguồn nước…
Cũng theo nông Nguyễn Văn Khởi, hiện vùng đồng láng có trên 35ha mặt nước nuôi tôm công nghiệp; bình quân giá trị kinh tế mang lại trong nuôi thủy sản ở vùng đồng láng so với trước năm 2017, tăng từ 40-50 triệu đồng/ha (nuôi thả lan) hiện đạt khoảng 100-150 triệu đồng/ha và nuôi thâm canh, siêu thâm canh đạt từ 400-500 triệu đồng/ha.
Chia tay vùng đồng láng Đôn Châu, chúng tôi trở lại vùng đất Đồng Khoen là một ấp vùng ruột của xã Phong Phú (huyện Cầu Kè), có trên 95% đồng bào Khmer sinh sống. Một thời, Đồng Khoen được mệnh danh là vùng đất “ốc đảo” với “03 không” (không đường, không điện, không trường học). Ngày nay, Đồng Khoen đã trở mình vươn lên, đời sống của người dân phát triển. Từ sản xuất bấp bênh, chỉ 01 vụ lúa/năm, nay vùng đất Đồng Khoen đã trở thành vùng sản xuất lúa trong cánh đồng lớn của xã.
Ấp Đồng Khoen có 510 hộ dân, đồng bào Khmer chiếm gần 95% và có gần 335ha đất sản xuất 03 vụ lúa/năm, năng suất lúa không ngừng tăng, từ 06 tấn/ha (năm 2010) đến nay đã tăng lên 08 tấn/ha. Đối với các diện tích đất gò, lúa kém hiệu quả (khoảng 100ha) được nông dân trong ấp chuyển đổi lên vườn, chủ yếu là dừa, nhãn và cây có múi.
Theo ông Thạch Sâm Bách, Trưởng Ban nhân dân ấp Đồng Khoen, qua 10 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất cùng với việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nông dân trong ấp có một cuộc cách mạng rất lớn về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất và tăng vòng quay của đất. Bình quân giá trị kinh tế (lợi nhuận) từ 01ha (năm 2010) đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2020 tăng lên 70-75 triệu đồng/ha/năm. Về giao thông, với hệ thống đường đal (ngang từ 02 - 03m) đảm bảo thông suốt đến các cụm dân cư và trên 95% hộ dân trong ấp có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo của ấp giảm còn 2,3%...
Lão nông Thạch Ninh, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ ấp, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Đồng Khoen hồ hởi kể về sự đổi thay ở vùng đất này với chúng tôi: người dân ở vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, từ đi lại cho đến sản xuất. Những địa danh xưa như Kha - Tha - Lịch (hổ chết trong bưng), Ô Trột, Rìa Tút vẫn còn gắn liền với vùng đất Đồng Khoen; qua đó đã nói lên được nơi đây vốn là một vùng đất trũng, hoang sơ và sự thử thách khá khắc nghiệt với những người bám đất để khai hoang. Từ những khó khăn trên, hơn 10 năm qua, bản thân tôi đã tham gia trực tiếp vận động Nhân dân trong ấp đóng góp xây dựng 15 cầu nông thôn; phối hợp với địa phương tham gia vận động người dân thực hiện giải phóng mặt bằng 02 tuyến kênh thủy lợi nội đồng và đổ đá, hiến đất gần 10km đường nông thôn để bàn giao cho đơn vị thi công…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.