20/07/2021 00:35
Công trình cống Bông Bót (xã An Phú Tân) có tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng phục vụ ngăn mặn (tuyến Sông Hậu) và trữ ngọt phục vụ sản xuất.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 26 nói chung, chương trình XDNTM nói riêng rất hợp lòng dân, đã và đang và tiếp tục đi vào đời sống của người dân vùng nông thôn, đảm bảo các điều kiện về vật chất lẫn tinh thần… Ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là giải pháp chiến lược tổng hợp (kinh tế - văn hóa - xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị) trong thực hiện Nghị quyết số 26. Ngày 04/10/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về XDNTM giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Qua 10 năm triển khai XDNTM, Trà Vinh đã đổi thay rất lớn, diện mạo mới đang từng ngày khoác lên vùng quê nông thôn, làm cho đời sống của người dân từng bước nâng cao, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống.
Từ khi bắt tay thực hiện XDNTM, năm 2012, các xã tham gia XDNTM chỉ đạt 4,9 tiêu chí về NTM (19 tiêu chí), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,13%, thu nhập đạt 19,5 triệu đồng/người/năm… Qua 10 năm thực hiện XDNTM, hiện toàn tỉnh có 69/85 xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 18,3 tiêu chí NTM; có 05 đơn vị cấp huyện đạt và hoàn thành XDNTM, dự kiến cuối năm 2021 có thêm huyện Châu Thành đạt huyện NTM và giai đoạn 2022- 2023 có 03 huyện phấn đấu hoàn thành huyện NTM, gồm Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải. Tổng nguồn lực huy động trực tiếp cho XDNTM trong giai đoạn 2010- 2019 trên 11.530,9 tỷ đồng và riêng trong năm 2020 là trên 4.000 tỷ đồng.
Tam nông vẫn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững; gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó cho thấy, quá trình XDNTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Trong XDNTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang được tỉnh triển khai đồng bộ, tạo động lực đưa kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung và đa dạng hóa gắn với thị trường và đặt vai trò nông dân vào trọng tâm trong xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân và nhà khoa học…
Theo ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh: những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai và thực hiện hiệu quả trong tổ chức tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, như: đẩy mạnh liên kết hộ sản xuất, hình thành các hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa và tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Cùng với đó, với đặc thù nằm ven biển và thường chịu nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, do đó việc huy động các nguồn lực về ngân sách, khoa học và công nghệ đã được đầu tư khá lớn nhằm ngăn mặn, trữ ngọt và phòng, chống sạt lở đê biển, cửa sông…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hàng năm trên địa bàn tỉnh đã triển khai 37 công trình (07 công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản, 03 công trình phục vụ phát triển cây trồng, 18 công trình đê kè, 09 công trình phục vụ dân sinh). Hoàn thành và đưa vào vận hành 11 công trình hạ tầng đầu tư phục vụ nuôi thủy sản với tổng diện tích 13.961,7ha; trước khi đầu tư, các khu vực này thiếu nước phục vụ sản xuất, người dân sản xuất lúa, hoa màu rất bấp bênh hoặc nuôi tôm theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn; sau khi được đầu tư đã chuyển đổi sang nuôi tôm bán công nghiệp và công nghiệp, với diện tích 6.128ha (chiếm 43,89% tổng diện tích), đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mật độ cao được 253,09ha đã mang lại hiệu quả đáng kể, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân và đảm bảo nguồn nước cho hơn 6.000ha nuôi thủy sản.
Ông Trần Tấn Tài, ấp Đại Thôn B, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành cho biết: từ năm 2015 đến nay, XDNTM đã tác động tích cực vào đời sống của người dân nông thôn. Vùng đất cù lao Long Hòa- Hòa Minh đã phát triển rất nhiều, nổi bật là việc chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao và tôm càng xanh trong ruộng lúa. Riêng gia đình từ năm 2015 đã chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao được 02 ao (khoảng 0,3ha mặt nước), mỗi vụ thả 400.000 con giống. Về kết cấu hạ tầng đã được đầu tư khá hoàn chỉnh như giao thông, điện…
Lĩnh vực nông thôn đã phát triển, mở rộng các ngành nghề như chế biến bảo quản nông sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, tre đan; sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; kinh doanh sinh vật cảnh; hoa kiểng… Giai đoạn 2016-2020, đã giải quyết việc làm cho khoảng 39.854 lao động, tạo giá trị khoảng 1.798 tỷ đồng; có 13 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (02 làng nghề nông nghiệp, 06 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 05 làng nghề chế biến thực phẩm) và đang phối hợp địa phương khảo sát, hỗ trợ lập hồ sơ để trình công nhận làng nghề bánh tráng ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển đáng kể đến năm 2019 toàn tỉnh có 16.690ha diện tích sản xuất ứng dụng, chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 960ha và nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao10.880ha); sản xuất và ứng dụng một số công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng kể như nuôi cấy mô thực vật nhân cây giống sạch bệnh (dừa sáp), phân bón nano, hệ thống quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động,... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất tạo được đột phá trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.